Nợ công và nợ
xấu sẽ tiếp tục đè nặng lên những thế hệ tương lai của Việt Nam?
Thụy My (RFI) Phỏng Vấn T/S Phạm Chí Dũng
27/11/2013
Theo các con số chính thức, nợ công của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 55,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nghĩa là còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên hiện nay ngay báo chí nhà nước cũng đã đặt dấu hỏi về con số này, và đưa ra tỉ lệ nợ công lên đến 95% GDP. Trong khi đó, vừa rồi Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu. Theo tính toán của một tờ báo trong nước, cứ mỗi ba tháng Việt Nam phải trả nợ một tỉ đô la.
Phải chăng ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt, và hậu quả sẽ như thế nào khi nợ nần tứ phía, tham nhũng lan tràn? Trong tạp chí kinh tế hôm nay, RFI Việt ngữ đã trao đổi về vấn đề này với tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Việt Nam.
RFI: Như anh đã biết, nợ của Việt Nam nếu tính cả những doanh nghiệp mà chủ yếu là của nhà nước thì lên tới 95% GDP, có nghĩa là vượt ngưỡng an toàn mà ngưỡng này được xem là 60%. Anh nhận xét tình hình này như thế nào?
TS Phạm Chí Dũng: Tôi xin nói trước về vấn đề ngưỡng an toàn so với GDP của Việt Nam. Hiện nay theo một số quan chức Việt Nam thì ngưỡng an toàn nằm ở mức 70% chứ không phải 60%. Trong khi đó theo ngưỡng an toàn tiêu chuẩn quốc tế về nợ công trên GDP, thì nợ công là 65%. Nhưng thật ra hiện nay đang có mâu thuẫn rất lớn về đánh giá giữa hai luồng quan điểm, khác nhau hoàn toàn về vấn đề nợ công trên GDP.
Thụy My (RFI) Phỏng Vấn T/S Phạm Chí Dũng
27/11/2013
Theo các con số chính thức, nợ công của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 55,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nghĩa là còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên hiện nay ngay báo chí nhà nước cũng đã đặt dấu hỏi về con số này, và đưa ra tỉ lệ nợ công lên đến 95% GDP. Trong khi đó, vừa rồi Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu. Theo tính toán của một tờ báo trong nước, cứ mỗi ba tháng Việt Nam phải trả nợ một tỉ đô la.
Phải chăng ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt, và hậu quả sẽ như thế nào khi nợ nần tứ phía, tham nhũng lan tràn? Trong tạp chí kinh tế hôm nay, RFI Việt ngữ đã trao đổi về vấn đề này với tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Việt Nam.
RFI: Như anh đã biết, nợ của Việt Nam nếu tính cả những doanh nghiệp mà chủ yếu là của nhà nước thì lên tới 95% GDP, có nghĩa là vượt ngưỡng an toàn mà ngưỡng này được xem là 60%. Anh nhận xét tình hình này như thế nào?
TS Phạm Chí Dũng: Tôi xin nói trước về vấn đề ngưỡng an toàn so với GDP của Việt Nam. Hiện nay theo một số quan chức Việt Nam thì ngưỡng an toàn nằm ở mức 70% chứ không phải 60%. Trong khi đó theo ngưỡng an toàn tiêu chuẩn quốc tế về nợ công trên GDP, thì nợ công là 65%. Nhưng thật ra hiện nay đang có mâu thuẫn rất lớn về đánh giá giữa hai luồng quan điểm, khác nhau hoàn toàn về vấn đề nợ công trên GDP.
Luồng quan điểm thứ nhất thuộc về chính phủ Việt Nam với màu sắc luôn luôn tô hồng, theo như các báo cáo của chính phủ. Đó là tỉ lệ nợ công trên GDP hiện nay chỉ chiếm 55,4%, mà nếu vay nợ thêm thì tỉ lệ nợ công trên GDP cũng chỉ khoảng 60% tức là vẫn còn an toàn, dưới mức 70% cho phép.
Trong khi đó theo một quan điểm độc lập khác thì tỉ lệ nợ công quốc gia trên GDP Việt Nam hiện nay tới 95%. Đánh giá này được nêu ra tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân tại Nha Trang vào tháng 4/2013. Một số chuyên gia phản biện độc lập – tôi nhớ là ở Ba Lan, và kể cả ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã rất bức bối, và lần đầu tiên nêu ra tỉ lệ nợ công hiện nay lên tới 95% GDP. Với điều kiện tính luôn cả nợ và nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước – hiện nay lên tới 1,3 triệu tỉ đồng Việt Nam, tức là khoảng 65 tỉ đô la – lại không được tính vào nợ công quốc gia của Việt Nam.
Nghịch lý là như vậy. Mà khi không tính vào thì tất nhiên tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam chỉ có 55,4% thôi. Nhưng nếu tính tất cả nợ công của kinh tế nhà nước thì tỉ lệ đó phải lên tới ít nhất 95% GDP.
Còn theo đánh giá của một chuyên gia quốc tế nữa thì tỉ lệ nợ công/GDP không phải là 95% nữa mà là 106%. Đó là một con số khủng khiếp, và điều đó nhắc chúng ta nhớ lại tỉ lệ nợ công/GDP của Philippines trước đây. Nợ công của Philippines vào thời Tổng thống Marcos – được coi là một trong những đời tổng thống tham nhũng nhất của Philippines – lúc đó là 120%, tương đương 120 tỉ đô la, và toàn bộ GDP hàng năm của Việt Nam hiện nay.
Và nếu như mâu thuẫn ở Việt Nam không thể giải quyết được thì người ta đành phải chấp nhận là có một sự chênh biệt tới 50%, giữa báo cáo chính phủ với những đánh giá phản biện về thực tế, hiện tồn ở Việt Nam hiện nay. Do đó cần phải xem lại rất kỹ, rất sâu về nguyên nhân gây ra ung họa ở đâu. Chính là do các tập đoàn nhà nước, chẳng hạn như Vinashin, Vinalines… Mà bản thân những tập đoàn như Vinashin thì chúng ta đã biết họ nợ ít nhất là 84.000 tỉ đồng Việt Nam, tương đương 4 đến 5 tỉ đô la, tức khoảng 6% GDP của Việt Nam.
Đó chỉ mới là một tập đoàn. Còn nhiều tập đoàn khác – chẳng hạn đã xuất hiện những cái tên như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kể cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam nữa. Tập đoàn này cho tới nay trở thành quán quân về nợ ngân hàng, với tổng số 118.000 tỉ đồng, là tập đoàn nhà nước được các ngân hàng ưu ái vô cùng, thuộc loại được ưu ái nhất Việt Nam.
RFI: Thưa anh, trong tình hình nợ công đã cao như vậy mà còn phải gánh thêm những món nợ – dù Nhà nước không bảo lãnh. Theo luật quản lý nợ công thì những khoản nợ này không được tính vào nợ công quốc gia, nhưng nếu chính phủ phát hành trái phiếu thì cũng là một cách làm tăng nợ lên?
Thực chất việc phát hành trái phiếu chỉ là dùng giấy để mua nợ chứ không phải là dùng tiền thật mua nợ. Cho nên đó là một thủ pháp mà tục ngữ Việt Nam gọi là “đánh bùn sang ao”, mà thực tế không giải quyết bất kỳ vấn đề nào, một nội dung nào về vấn đề nợ xấu. Có nghĩa là nợ xấu vẫn y nguyên! Vậy thì phát hành trái phiếu là cho ai?
Có hai kênh để phát hành trái phiếu. Một là kênh phát hành nội địa cho dân chúng, cho các doanh nghiệp, ngân hàng. Thứ hai là kênh phát hành quốc tế. Chẳng hạn trường hợp tập đoàn tàu thủy Việt Nam Vinashin, chính phủ đã có quyết định cho tập đoàn này phát hành 600 triệu đô la trái phiếu quốc tế.
Như vậy là cũng dùng giấy để giải quyết nợ. Nhưng vấn đề còn lại là có bán được trái phiếu hay không. Tôi không cho là có nhiều hy vọng lắm về việc doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài kỳ vọng vào việc Vinashin có thể phục hồi một cách vững chắc, để họ có thể mua trái phiếu quốc tế của Vinashin.
Điều đó cho thấy kênh phát hành trong nước hiện nay cũng đang bế tắc, vì gần như tiền không vào lưu thông và tình trạng găm giữ tiền trong dân chúng rất phổ biến, thị trường bất động sản đóng băng. Đó là một minh chứng cực kỳ điển hình. Cho nên việc phát hành trái phiếu nội địa có nhiều khả năng không thành công, các ngân hàng cũng như vậy.
Vấn đề còn lại là nếu tính đúng tính đủ theo năm tiêu chí của Liên Hiệp Quốc về nợ công thì phải cộng luôn cả nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không xử lý được vào nợ công. Lúc đó tỉ lệ nợ công sẽ không phải là 55% nữa mà sẽ lên ít nhất là 95% GDP.
Nếu như Nhà nước Việt Nam với chính sách hiện nay cứ tiếp tục vay những nguồn vốn được coi là tài trợ quốc tế, chẳng hạn như ODA từ Nhật Bản v.v… dù với lãi suất ưu đãi, vẫn là một gánh nặng đổ lên đầu con cháu. Đời con, đời cháu sẽ tiếp tục phải trả, chứ không phải là thế hệ lãnh đạo hiện nay.
RFI: Ngay cả trong trường hợp trái phiếu phát hành để hỗ trợ cho những tập đoàn quốc doanh lỗ lã có bán chạy đi nữa, nhưng đây không phải là dòng vốn rót vào sản xuất – doanh nghiệp tư nhân không vay được – thì đây có phải là hiện tượng lành mạnh không?
Đó không phải là một hiện tượng lành mạnh đối với khu vực sản xuất, và đối với thực lực của nền kinh tế Việt Nam. Vì đó chẳng qua, tôi nhắc lại, là một thủ pháp để chuyển nợ thành một tờ giấy nào đó mà thôi. Và giấy xét cho cùng cũng chỉ là giấy, vì trái phiếu không có ý nghĩa gì; trong trường hợp phát hành quá nhiều trái phiếu thì vô hình chung lại đẩy mạnh lạm phát. Và nếu không phát hành trái phiếu mà in thêm tiền cũng là lạm phát.
Cho nên ở đây chính phủ buộc phải chọn một phương cách tạm gọi là tương đối an toàn là phát hành trái phiếu. Nhưng tôi muốn nói thêm một khía cạnh thế này: việc phát hành trái phiếu mà không phải dùng tiền mặt để mua nợ xấu cho thấy ngân quỹ Việt Nam đã eo hẹp, và có nhiều dấu hiệu cạn kiệt đến mức như thế nào!
Trong cuộc suy thoái từ
năm 2008 đến đầu 2009, tháng 3/2009 chính phủ Việt Nam đã tung ra một gói kích
cầu khoảng 143.000 tỉ đồng, tương đương 8 tỉ rưỡi đô la theo tỉ giá hối đoái vào thời điểm
đó. Đây là một con số khổng lồ và đã vực dậy nền kinh tế, nhưng đặc biệt vực dậy
các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản, còn nền kinh tế chỉ ăn
theo những thị trường này mà thôi.
Tuy nhiên trong suốt ba năm suy thoái vừa qua, điều đáng ngạc nhiên là tiền đi đâu? Cuối cùng thì các doanh nghiệp đã không thể kỳ vọng là Nhà nước có thêm một gói kích cầu nào nữa. Gói kích cầu đó đã được hy vọng vào năm 2012, khi nền kinh tế quá khó khăn. Nhưng đến năm nay thì gần như đã chấm dứt hy vọng, vì không có bất kỳ một tín hiệu nào về việc chính phủ có thể tung ra một gói kích cầu. Từ đó người ta mới đánh giá thế này: Chính phủ hết tiền rồi!
Các doanh nghiệp nói như vậy, và thực chất là nguồn tiền quá eo hẹp. Huy động mãi mới chỉ được gói kích thích 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản mà thôi.
Điều đó cho thấy việc tung ra trái phiếu là một kênh chẳng đặng đừng. Một kênh bất đắc dĩ mà chính phủ phải thực hiện, và cuối cùng cũng chỉ là một việc gần như vô nghĩa, tức là không giải quyết thực chất vấn đề nợ xấu.
Liên quan đến việc này, tôi cũng muốn nói thêm là công ty Quản lý Tài sản Quốc gia, viết tắt là VAMC được thành lập vào đầu năm 2013, có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là xử lý nợ xấu đang tồn đọng tại các doanh nghiệp và ngân hàng. Nhưng sau một hồi bàn thảo rất gay cấn, cuối cùng vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỉ mà thôi. Trong khi nhiệm vụ của VAMC là phải giải quyết ít nhất 100.000 tỉ đồng nợ xấu, theo con số báo cáo!
Với vốn điều lệ chỉ có 500 tỉ mà phải giải quyết gấp hai chục lần số nợ xấu thì làm sao có thể được? Thế là cuối cùng người ta cũng đành ngã sang một phương án như chính phủ đang thực hiện hiện nay. Có nghĩa lại tiếp tục phát hành trái phiếu. VAMC sẽ có một loại trái phiếu đặc biệt, và dùng loại trái phiếu đó để trả lại cho các ngân hàng – những ngân hàng đang ôm nợ xấu. Và các ngân hàng đó phải chuyển lại một số tài sản thế chấp và nợ xấu cho VAMC.
Cho nên trong mấy tháng
vừa rồi, có những báo cáo đánh giá là tổ chức này (VAMC) đã mua được 30 đến
35.000 tỉ đồng nợ xấu. Nhưng điều đó có ý nghĩa như thế nào? Hay chỉ thuần túy
là một việc diễn ra trên giấy và chuyển từ tài khoản này sang tài khoản kia.
Còn thực chất nợ xấu vẫn là một hằng số, nếu không muốn nói là tăng lên theo thời
gian và không hề thay đổi.
Thậm chí theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước – buộc phải báo cáo trước Quốc hội kỳ họp thứ 6 khóa 13, thì Ngân hàng Nhà nước đã phải làm một động tác, một văn bản được coi là “đảo nợ” và chuyển 300.000 tỉ đồng từ nợ xấu lên nhóm nợ đỡ xấu hơn. Như vậy trái phiếu không giải quyết được gì cả.
RFI: Mới đây ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã đánh giá chuyện anh vừa nói là xử lý nợ xấu bằng cách “ngậm sâm”. Tức là tổ chức VAMC chỉ “cấp cứu” thôi, chứ không phải là xử lý nợ xấu triệt để. Muốn triệt để phải chờ sự phục hồi của nền kinh tế, mà theo ông [ta] là khoảng hai, ba năm tới. Theo anh vấn đề này có thể giải quyết thế nào?
À, đây là một ẩn số cực kỳ lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Nợ xấu hiện nay đang là vấn đề cốt tử để quyết định vận mệnh của nền kinh tế Việt Nam, và có thể cả vận mệnh của nền chính trị Việt Nam trong tương lai không quá xa!
Ông Trương Văn Phước trước đây từng là Tổng giám đốc Eximbank. Nhận định của ông theo tôi độ khách quan chỉ khoảng một nửa thôi, vì ông vẫn là một quan chức.
Muốn đánh giá một cách thực chất vấn đề nợ xấu của Việt Nam và thời gian để giải quyết nợ xấu, có lẽ phải dựa vào những ý kiến độc lập hơn nhiều. Nhưng dù sao tôi cho là ý kiến của ông Trương Văn Phước từ trước tới nay vẫn là một trong những ý kiến tương đối sâu sắc và có thể tham khảo được.
Vấn đề ông đưa ra là từ hai tới ba năm có thể giải quyết được nợ xấu, theo tôi là quá lạc quan. Đó là theo lộ trình của Nhà nước và những điều mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố trước Quốc hội, đến khoảng năm 2014-2015 có thể giải quyết được nợ xấu.
Nhưng theo một chuyên
gia khác là ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia Việt kiều và có thể nói là một
người khách quan nhất trong lãnh vực tài chánh ngân hàng, thì thời gian để giải
quyết nợ xấu phải mất ít nhất 5 năm, tính từ năm 2012. Đánh giá của ông Bùi Kiến
Thành được đưa ra vào năm 2012. Có nghĩa là sớm nhất phải đến 2017 mới có thể
giải quyết được.
Như vậy đã có một sự chênh biệt khá đáng kể, ít nhất hai, ba năm giữa đánh giá của một chuyên gia phản biện độc lập với khối ngân hàng nhà nước về thời gian giải quyết nợ xấu. Còn giải quyết như thế nào, thực chất hiện nay VAMC không thể gọi là một phép mầu, một cây đũa thần.
Và đúng là như ông Trương Văn Phước đã dùng từ bóng bẩy nhưng ý nhị, là chỉ cho ngậm sâm. Đối với những cơ thể đã ốm o, dặt dẹo và thường là mang trọng bệnh thì mới cho ngậm sâm. Nhưng ngậm sâm chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, sau đó nếu không giải quyết được gì nữa, lúc đó cơ thể sẽ lờn thuốc. Sẽ không có bất kỳ một loại sâm, một loại thuốc quý nào có thể làm cơ thể hồi phục. Lúc đó sẽ lụn bại, sụp xuống rất nhanh.
RFI: Thưa anh, báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 mang tiêu đề “Thách thức còn ở phía trước” kêu gọi cổ phần hóa triệt để doanh nghiệp nhà nước, mở rộng tham gia của tư nhân, đưa ra lộ trình doanh nghiệp nhà nước hiện giờ 25-27% GDP xuống dưới 10% vào năm 2020. Anh thấy việc này có khả thi không?
Thực ra tôi không quan tâm lắm tới chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cho tới thời điểm này. Vì việc đó đã làm từ lâu và không có kết quả, chỉ theo tính chất phong trào mà thôi, và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không mấy quan trọng. Còn những doanh nghiệp quan trọng thì Nhà nước vẫn nắm. Cho nên điều đó không tạo ra ý nghĩa nhiều lắm trong chiến dịch cổ phần hóa suốt mười mấy năm vừa rồi.
Chẳng hạn những lãnh vực như xăng dầu, điện lực độc quyền đến như thế nhưng Nhà nước vẫn không cổ phần hóa. Mà không cổ phần hóa thì giá chỉ có tăng mà không có giảm. Còn những lãnh vực cổ phần hóa như bưu chính thì như chúng ta đã thấy, trong thời gian khá dài giá đã giảm đáng kể, chẳng hạn giá cước sử dụng internet.
Nếu không bỏ độc quyền thì việc cổ phần hóa sẽ không có ý nghĩa lắm. Thành thử việc cổ phần hóa sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian sắp tới, theo tôi không quan trọng bằng việc phải cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất bằng việc xóa bỏ, hoặc ít nhất là cũng xóa dần thế độc quyền của một số doanh nghiệp, chẳng hạn như những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện, nước thì mới có ý nghĩa. Chứ còn vẫn mãi độc quyền, không có một cải cách nào cả, thì sẽ khó thể tham gia vào những định chế đa phương thương mại quốc tế, và cũng không phát huy được nội lực của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.
RFI: Thưa anh, vừa rồi một nhà kinh tế kiêm blogger là Alan Phan cho biết ông không tin vào một chính sách nào của Nhà nước nữa, vì thật ra các tập đoàn lợi ích đã lũng đoạn rồi. Ông cho rằng với những gánh nặng doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngân hàng, ngân sách, thì Việt Nam dù có tham gia TPP đi nữa thì cũng không thể trở thành một con rồng trong thời gian tới…
Có hai vấn đề. Một là lòng tin, và hai là hiệu quả TPP.
Thứ nhất là lòng tin, thì đánh giá của ông Alan Phan theo tôi cơ bản là đúng. Tại vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã than thở về chuyện mất lòng tin hoàn toàn vào thị trường, và chẳng còn mấy lòng tin vào Nhà nước. Theo thăm dò chính thức, có ít nhất 50-60% doanh nghiệp đã không còn lòng tin vào những chính sách của Nhà nước nữa rồi.
Nhưng theo tôi thì tỉ lệ này vẫn còn rất khiêm tốn. Vì khi nói chuyện với một số doanh nghiệp thì tôi nhận ra rằng nếu đưa ra những tiêu chí rõ ràng để khảo sát tâm lý, thăm dò ý kiến của họ và phân tích cho rõ ràng, thì có thể nói họ hầu như không có niềm tin. Tôi cho rằng ít nhất 80-85% doanh nghiệp và người dân không còn tin vào những chính sách kinh tế của Nhà nước nữa.
Nhất là sau ba năm suy thoái và để cho các nhóm lợi ích, đặc biệt là nhóm lợi ích ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và vàng bạc lũng đoạn hoàn toàn thị trường. Cho nên bây giờ mới để xảy ra một trận lũ, hậu quả, dư chấn của một cuộc khủng hoảng gần như là ngổn ngang, phơi bày tất cả những gì trần trụi ra và đang phải giải quyết mà chúng ta vừa đề cập tới. Hậu quả lớn nhất của nó là vấn đề nợ xấu.
Vấn đề thứ hai là TPP. Tôi còn nhớ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đề cập về lòng tin chiến lược. Lòng tin chiến lược là gì ? Điều đó đã được sách vở nói đến, kể cả một cuốn sách mô tả về hội nghị Shangri-la và những lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rất là chi tiết. Nhưng ở đây lại liên quan đến lòng tin đối với Chính phủ, với chính sách của Nhà nước.
Khi mà lòng tin của các doanh nghiệp và người dân không còn bao nhiêu, thì liệu có nổi một lòng tin chiến lược bền vững hay không? Hay đó chỉ là một câu sáo rỗng và rất xa vời? Nói chung là một ảo ảnh hoàn toàn không thể hiện thực hóa.
Mà không hiện thực hóa thì chúng ta cần phải nhìn lại điều đang muốn nhấn sâu vào: TPP. Việt Nam tham gia vào TPP để làm gì ? Để có thể đạt được lợi thế nhiều nhất chăng ? Hay là chúng ta phải nhìn lại cả một quá trình nền kinh tế Việt Nam tham gia vào định chế WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) suốt bảy năm, nhưng đã gần như không có hiệu quả, ngoài một số chỉ tiêu xuất khẩu.
Mà xuất khẩu tăng về lượng
nhưng lại không tăng giá, và thực chất vẫn tạo ra một sự phân hóa rất lớn về mặt
thu nhập giữa các tầng lớp người dân Việt Nam. Đặc biệt là người nông dân Việt
Nam cho đến nay đang phải lãnh hậu quả, dù sản lượng lúa đạt nhưng giá lúa vẫn
thấp.
Tôi cho là trong thời gian sắp tới có nhiều khả năng Việt Nam sẽ được chấp nhận tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, xuất phát từ tín hiệu Nhà nước Việt Nam được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tham gia vào TPP nhưng vẫn còn vướng khá nhiều rào cản kỹ thuật do quốc tế quyết định. Đó là những rào cản kỹ thuật về xuất xứ hàng hóa của hàng xuất khẩu ra nước ngoài – phải mang tính chất nội khối chứ không phải ngoại khối TPP. Thứ hai là những rào cản kỹ thuật về nhãn mác, về sở hữu trí tuệ, kể cả vấn đề nghiệp đoàn lao động mà người Mỹ và phương Tây đang đặt ra cho Việt Nam như một điều kiện để tham gia TPP.
Nghiệp đoàn lao động lại liên quan mật thiết với vấn đề nhân quyền như đã được quy định trong điều 69 của Hiến pháp Việt Nam, nhưng chưa bao giờ được luật hóa một cách cụ thể.
Do vậy theo tôi đánh giá chung, trong vòng từ ba đến bốn năm tới dù có được tham gia TPP, nền kinh tế Việt Nam vẫn không nhận lãnh được những kết quả tương xứng như mong muốn, mà tiếp tục suy thoái, tiếp tục phân hóa dày đặc giữa các giai tầng ở Việt Nam.
RFI: Tóm lại là tình hình có vẻ u ám, quốc doanh không hiệu quả thậm chí làm ra thêm nợ nần, thị trường chứng khoán gần như bế tắc, bất động sản đóng băng. Doanh nghiệp tư nhân chết rất nhiều, những doanh nghiệp còn sống thì ngân hàng có cho vay cũng ít dám vay. Trở lại vấn đề nợ công, liệu có một lối thoát nào khả dĩ, theo anh?
Lối thoát khả dĩ nhất hiện nay có lẽ là phải chống tham nhũng một cách triệt để, thu hồi tài sản do tham nhũng để trả nợ nước ngoài. Không còn cách nào khác! Tại vì không còn nguồn tiền nào khác để trả nợ cho nước ngoài, trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt như thế này, các thị trường đầu cơ gần như đóng băng, và trong tương lai gần không có gì triển vọng hơn.
Chỉ còn cách lôi những tập đoàn tham nhũng, những cá nhân tham nhũng ra mà xử. Tại vì họ đã ăn đủ, ăn dày, ăn sâu, ăn đậm quá nhiều năm rồi, đã làm cho người dân quá khốn khổ rồi ! Nay cần phải làm những vụ lớn như Bạc Hy Lai ở Trung Quốc, lấy tài sản tham nhũng bù đắp gánh nặng nợ nần của quốc gia, trả nợ cho nước ngoài. Còn việc phát hành trái phiếu quốc tế, tôi không tin là hiện thực hóa thành công.
RFI: RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Việt Nam, đã vui lòng nhận lời tham gia tạp chí kinh tế hôm nay của chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét