Nhãn

29 tháng 10, 2013

831. Những đám đông tháng Mười

Mon, 10/28/2013 - 16:37 — canhco

Người ta có thể dễ dàng đồng ý nếu có sự tập trung từ trăm người trở lên thì nhóm người ấy đã trở thành đám đông. Đám đông nói lên nhiều điều mặc dù ở nhiều đám đông không ai nói gì cả, họ chỉ biểu cảm bằng sự tham dự của mình như một phiếu bầu, một thái độ.

Bắt đầu từ ngày 4 tháng Mười, khi tin đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lộ ra thì đám đông đã manh nha hình thành. Không báo đài hay loa phường nào thông báo nhưng đám đông chuyền tai nhau và sáng hôm sau đã có người xếp hàng trước nhà riêng của ông chờ đợi được đặt một bó hoa trước cổng. Đám đông ấy lớn dần lên và lúc ấy báo chí mới rục rịch đưa tin. Đám đông ngày càng căng ra khi sức chứa lề đường không còn đủ chỗ. Ngày kéo cờ rủ trước hội trường Ba Đình là lúc đám đông chuyển động. Theo sau những chuyển động ấy là các bài viết đẩy đám đông vào sâu hơn điều mà từng người trong họ nghĩ tới. Công lao, chiến thắng là hai cụm từ được lập đi lập lại hầu như bất tận.

Trước khi chấm dứt những đề nghị đặt tên đường, đưa tên ông vào sách giáo khoa thì một bài viết mới nhất của tờ Lao Động nhưng không có tên tác giả khép lại đám tang và đám đông. Tựa bài có tên: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiển thánh, như trước đây 44 năm Bác Hồ đã hiển thánh".

Hai chữ "hiển thánh" có lẽ được đám đông chấp nhận như một lời tung hô, nhưng tờ Lao Động thật ra đang kích động đám đông bằng chiêu trò mê tín dị đoan. Tờ báo đăng bài viết không hiểu được hai từ "hiển thánh" như thế nào nên cho rằng nhân vật nào có miếu thờ thì tự nhiên thành thánh. Báo đưa Bác Hồ ra làm thí dụ và cũng mang Bác Hồ ra làm nhân chứng cho sự hiển thánh của ông.

Đáng chú ý trong bài báo là câu: "Võ Điện Biên, người con trai của đại tướng, có bài đáp từ làm rung động lòng người: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho phép chúng tôi thực hiện di nguyện của Đại tướng được trở về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê hương".

Đến thánh mà cũng phải xin phép được chôn cất tại quê hương của mình thì Đảng và Nhà nước đã lên hàng Thượng đế.

Từ đám đông, tờ báo đã rất "linh động" hướng dẫn họ vào đền thờ của sự hiển thánh. Từ hiển thánh bài báo chứng minh với đám đông rằng không có điều gì lớn hay nhỏ mà không qua tay Đảng và nhà nước.

Đây là bài báo thành công nhất trong tang lễ đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tang lễ đáng lẽ hoàn hảo, chỉnh chu hơn nếu không có những bài viết như thế. Và cũng đáng tiếc, tang lễ sẽ làm người dân tập trung hơn nếu không có một đám đông khác, cũng tang chế, cũng mất mát đau thương nhưng của một tập thể chứ không phải một người: Vụ nổ nhà máy pháo hoa Z121 tại tỉnh Phú Thọ.

12 giờ trưa ngày 11 tháng Mười, khi cờ rủ được treo trên Quảng trường Ba Đình, nghi thức đầu tiên trong 2 ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 20 tiếng đồng hồ sau, 8 giờ sáng ngày 12 tháng Mười vụ nổ xảy ra, giết chết 24 người làm bị thương gần trăm người khác và đám đông hoảng loạn được báo chí loan tải cho thấy sự kinh hoàng của họ như trong chiến tranh.

Cảnh một đám tang nằm chơ vơ với một người duy nhất ngồi bên quan tài miêu tả sự sợ hãi đã lên đến cực điểm. Khói lửa mù mịt và tiếng than khóc bao phủ cả một vùng. Nhà máy xảy ra vụ nổ là một phân xưởng của Bộ Quốc phòng do đó Bộ này đã nhanh chóng đến tận gia đình nạn nhân an ủi và bồi thường cho họ. Tuy nhiên cho đến hôm nay không một lý do nào được đưa ra tại sao một nơi nguy hiểm như thế lại không có một biện pháp an toàn lao động nào cho công nhân làm việc.

Câu hỏi đặt ra: Quản lý chất nổ làm pháo đã không xong thì làm sao có thể quản lý một nhà máy hạt nhân có tầm nguy hiểm hơn một ngàn lần?

Từ câu hỏi này có thể dễ dàng suy ra một đám đông khác sẽ lớn hơn một ngàn lần tại Ninh Thuận nếu so với đám đông của Phú Thọ vừa qua.

Năm ngày sau khi vụ nổ tại Phú Thọ xảy ra, ngày 17 tháng Mười một đám đông nữa xuất hiện tại Thanh Hóa. Lần này chỉ hai mẹ con bị chết nhưng kéo theo đám đông hơn ngàn người. Họ là thân nhân, là láng giềng và sau đó thì người đi đường nhập cuộc.

Đám đông tự phát này đòi trả lại công lý cho hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân, trú tại làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa đến bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa để sinh nhưng bệnh viện đã bỏ mặc bà trong 20 tiếng đồng hồ không chăm sóc mặc dù bà có biểu hiện khó sinh và rất đau đớn. Cái chết của hai mẹ con bà đã gây sự giận dữ lẫn căm phẫn trong dân chúng vì họ đã nhìn thấy số phận của họ qua câu chuyện của hai mẹ con sản phụ.

Đám đông tuy giải tán sau đó ít lâu nhưng người tham dự biết rằng từ nay ít ra bệnh viện Thiệu Hóa cũng tự biết ra ai là chủ nhân thật sự của bệnh viện này.

Hai ngày sau một vụ án chấn động khác xảy ra tại Hà Nội cũng liên quan đến y đức nhưng lần này thêm yếu tố cố sát, một cử động sau cùng nhấn chìm luôn chút lương tâm còn sót lại của những người mang áo choàng trắng bất lương.

Đám đông không nổi giận, không căm phẫn, không có một phản ứng nào. Họ đến hai bờ Sông Hồng chờ xem xác chết của nạn nhân. Họ xem trò múa may của các nhà ngoại cảm. Xúc động không còn chỉ còn sự hiếu kỳ bởi quá nhiều việc thất đức đã giết mất sự nóng giận của người dân. Không lẽ xã hội chỉ biết lo cho miếng ăn của mình mà quên đi một góc khác có tên là lương tri?

Lương tri và miếng ăn thách thức người dân Hà Nội với hai vụ tiếp liền sau đó. Vụ thứ nhất là việc đàn áp, đánh đập và bắt giữ hơn một trăm bà con H'Mông từ 4 tỉnh phía Bắc kéo về vườn Hoa Mai Xuân Thưởng đòi được quyền thực hành niềm tin tôn giáo của họ.

Hơn một trăm con người ấy là đám đông thầm lặng. Tiếng Kinh không đủ để diễn tả nỗi bất bình lẫn oan ức của họ khi địa phương trói buộc họ vào những quy định khó hiểu bởi nỗi ám ảnh ly khai.

Việt Nam đang theo đuổi việc đàn áp sắc tộc và tôn giáo với chiêu bài ly khai như Trung Quốc đối phó với người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Hệ lụy này đang công khai diễn ra tại Hà Nội vào tối 23 tháng Mười. Đám đông bị ép hết lên xe chở về lại nơi họ xuất phát. Chính quyền không hiểu rằng không có chuyến xe nào chở nổi sự oan khiên khi lòng những con người tội nghiệp ấy chỉ vang lên một từ than van kêu cứu duy nhất "Chúa ơi".

Lương tri nếu đã không còn thì chính là lúc những góc khuất tối tăm nhất của con người xuất hiện. Góc khuất mà người Việt không ai không tự dặn lòng: "miếng ăn là miếng tồi tàn".

Ngày 24 tháng Mười tại phố Đoàn Trần Nghiệp, hàng ngàn thanh niên nam nữ chen lấn, dẫm đạp lên nhau để được ăn một bữa shusi miễn phí. Bức tranh "hoành tráng" này không biết có làm cho người Hà Nội thấy xấu hổ không hay lại tránh đi không nhận rằng một số lớn thanh niên hôm nay đang định hướng mình vào miếng ăn thay vì vào việc xây dựng Xã hội chủ nghĩa như nhà nước vẫn hàng ngày kêu gào.

Miếng ăn trở thành chân lý và không còn tồi tàn như người Việt tâm niệm. Sự lật đổ này của đám đông thanh niên nam nữ Hà Nội trong ngày 24 tháng Mười có phải là tiếng kèn cầu hồn cho truyền thống áo mũ cân đai?

Chưa hết, một đám đông khác xảy ra ba ngày sau đó, ngày 27 tháng Mười. Lần này tại xứ Quảng, và huyện Tư Nghĩa của Quảng Ngãi đã lên tiếng mạnh mẽ cho sự lấp liếm của chính quyền sở tại qua một đám đông đủ sức lật đổ một chính quyền cấp xã.

Báo chí đăng đầy đủ hình ảnh của hàng ngàn người dân tập trung chống đối làm lưu thông trên quốc lộ 1 ách tắc nguyên ngày. Họ đòi hỏi phải giải quyết việc chính quyền cho phép tàu ngoại quốc vào hút cát làm cho môi trường nguy hại, tác động trực tiếp đến kinh tế và sức khỏe của người dân mà không ai giải quyết.

Đám đông này gây chú ý cho nhà nước nhất vì nguyện vọng và sự giận dữ của họ không thể lái theo hướng nào khác. Khi đám đông thật sự nổi giận thì bất cứ nhà nước nào cũng phải e dè, kể cả nhà nước cộng sản.

Còn một đám đông khác quan trọng hơn đang tụ tập nhưng không mấy ai quan tâm. Đám đông này khác với các đám đông tự phát, nó có ngày giờ diễn ra và mục tiêu cũng rất rõ ràng. Đám đông ấy được lãnh lương và được luôn cái tiếng là đại biểu. Người dân gọi nôm na là có tiếng lẫn có miếng.

Đám đông đặc biệt này là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Họ là đám đông chứ không có cách gọi nào khác rõ nghĩa hơn. Gần 500 con người tụ tập nhau lại nhưng không làm được một việc gì gọi là đại diện cho dân. Bởi họ không phải là dân vì 92,6% những người trong đám đông ấy là đảng viên và vì vậy việc làm của họ chỉ cho đảng và vì đảng mà thôi.

Đám đông ấy theo sau ông Tổng bí thư và tuân theo bất cứ việc gì mà ông ta đưa ra. Đám đông có nét đặc thù là cùng gật đầu một lúc và cùng đưa tay giống nhau khi đảng ra lệnh.


Đám đông ấy cũng tụ tập vào tháng Mười và điều này khiến bản hợp xướng Đám đông tháng Mười càng thêm hùng tráng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét