Nhãn

23 tháng 5, 2011

109. Nguyễn Quang Lập - tuần qua - số 13


 1. Tuyên bố chung về biển Đông của các bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN khẳng định toàn thể thành viên ASEAN “cam kết thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên về biển Đông (DOC) và tiến tới việc hình thành bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC)” để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuyên bố cũng khẳng định quyền tự do đi lại trên mặt biển và vùng trời ở biển Đông là những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.”
Nhiệt liệt hoan nghênh tuyên bố chung này! Nhiệt liệt! Nhiệt liệt! Nhiệt liệt!  Nếu các nước khối Asean xích gần nhau lại, coi nhau như anh em một nhà, không tranh chấp vặt, sẵn sàng vì nhau mà chín bỏ làm mười, cố kết trên dưới một lòng, thì Trung Quốc dù có ba đầu sáu tay cũng không làm được gì tốt.
2. Kết luận về thời gian Bác Hồ dạy học ở Phan Thiết là những kết luận của Đoàn chủ tịch Hội thảo “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học ở Phan Thiết” (Bộ VH-TT-DL và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức) vừa đưa ra một số kết luận làm căn cứ để tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào nói rõ ngày tháng thầy Thành từ Duồng vào Phan Thiết. Bà Ngô Thị Mùi cho biết, khi còn sống, ngay cả bốn cụ là học trò của Thầy Thành cũng không nhớ rõ thời gian Bác vào Phan Thiết khi nào và đưa ra các mốc thời gian không thống nhất. “Đoàn Chủ tịch Hội thảo đã thống nhất và đề nghị các Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích về Hồ Chủ Tịch lấy thời điểm thầy Thành đến Phan Thiết là tháng 8.1910 và rời Phan Thiết vào Sài Gòn tháng 2.1911” - bà Ngô Thị Mùi cho biết.
Trong bài “Vậy nghe, ông cụ”Mr.Do đã bình rất hay: Tôi rất thích cái “thống nhất và đề nghị” của đoàn chủ tịch hội thảo. Tức là khi bí quá về thời điểm thầy Thành tới và rời Phan Thiết, các đồng chí hậu sinh đã thống nhất cho ông Cụ một thời điểm cụ thể “để tuyên truyền”. Cứ cách làm này thì có vẻ như chuyện ông Cụ đi hay ở, làm gì ở đâu, được thế hệ con cháu quyết. Và không chỉ riêng vụ này…
 Chuyện thêm: Hôm rồi có dịp kỳ ngộ với một nhà nghiên cứu lão thành và đọc một công trình của ông về nơi cụ Hồ xuất bến ra đi tìm đường cứu nước. Công trình khẳng định cái bến đó là bến Sài Gòn, tức bến Bạch Đằng bữa nay ở quận 1, TP.HCM, không phải bến Nhà Rồng như lâu nay ta từng nghe nói. Công trình nghiên cứu rất ấn tượng, tập hợp và phân tích rạch ròi các con số, cứ liệu lịch sử để chứng minh. Chứng cứ lịch sử được nêu ra để chứng minh cái nào cái nấy chắc nụi và thuyết phục. (Đọc tác phẩm, chẳng những biết nơi anh Văn Ba lên tàu, mà còn biết cái cầu tàu đó dài mấy mét, rộng mấy mét, làm bằng gì…).
 Tôi mới hỏi nhà nghiên cứu: “Vậy theo bác thì tại sao lâu nay người ta cứ khẳng định là bến Nhà Rồng? Họ căn cứ vào đâu?”
 Cụ đáp: “Họ chẳng căn cứ vào đâu cả. Họ chỉ suy đoán và thống nhất với nhau như vậy thôi”.
Nhất trí! Nhất trí!
3. Ai sẽ về đích trước trong cuộc đua tốc độ bồi lấp sông hồ? là câu hỏi của nhà báo Trần Minh Quân khi nói về thực trạng các con sông đang thiếu nước, các hồ chứa nước ngọt đang bị xâm hại nghiêm trọng trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay. “Nếu lấy tiêu chí “tốc độ làm hoang mạc hóa sông hồ nhanh nhất” làm căn cứ để “thi thố” giữa các quốc gia thì rất nhiều khả năng Việt Nam ta sẽ là vô địch.” Trần Minh Quân viết: “Phải chăng chúng ta đang quá vô cảm hay quá tham lam với chính chúng ta, với con cháu chúng ta? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời”
Chời chời, có chi mà không dễ trả lời. Vô cảm+tham lam+Dốt nát+Quan liêu=Thảm họa. Rứa thôi, rứa thôi
4. Ông Trần Thanh Chương cho hay có một kiểu quán triệt rất vui là quán triệt… trúng cử: “Các địa phương đang rục rịch chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội. Ở đâu không biết, riêng Nghệ An quê tôi việc tổ chức bầu cử không hiếm chuyện cười ra nước mắt! Lãnh đạo xứ Nghệ hay dùng cụm từ “quán triệt”. “Quán triệt vào HTX”, “Quán triệt dời dân vô rú”, “Quán triệt sinh đẻ có kế hoạch”… và bây giờ lại “Quán triệt… trúng cử”. Chuyện đang xảy ra ở Đại học Vinh. Cách đây mấy hôm một số vị lãnh đạo cấp tỉnh xuống làm việc với Đại học Vinh về vấn đề bầu cử. Không biết nội dung làm việc thế nào, chỉ biết sau đó ở Đại học Vinh, các đoàn viên thanh niên nhận được bản “Hướng dẫn nội dung sinh hoạt lớp, chi đoàn chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016”. Điều 6 của bản HƯỚNG DẪN này được “quán triệt” như sau (nguyên văn – Tg):  6. Quán triệt đắc cử: Việc bầu cử, chọn ai, bầu ai là lựa chọn của cử tri. Tuy nhiên, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo để cử tri của Trường Đại học Vinh biết sự chỉ đạo của Đảng về bầu cử như sau:” “Hình bên là danh sách Bầu cử Quốc hội khóa XIIIvà danh sách Bầu cử HĐND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo đã quán triệt ai trúng cử ai không. Ông Chương than thở: “Nhìn vào bản “quán triệt” này thiết nghĩ còn bầu cử làm gì cho tốn tiền tốn sức của nhân dân”.
Dân nhậu cả cười, nói ua chầu chầu, bác Chương ở nước mô về rứa hè, bác còn lạ hay sao mà kêu ca?
Quán triêt! Quán triệt!
5. Xung quanh cuốn sách "tài năng và đắc dụng” đã có rất nhiều lời bình. Chỉ xin nhắc thêm một câu hỏi của Lê Văn Nghệ trong bài "Từ háo danh đến xú danh": Một quyển sách bất thường từ nội dung đến nhận thức như thế, lại được một NXB có uy tín cấp giấy phép, quả là điều khó hiểu. Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói rõ, nếu là một con người bình thường, không hoang tưởng, không có triệu chứng về trí não thì khi ai đó vì lẽ gì đó ca ngợi mình, xếp mình “ngồi” chung với các danh nhân thì vì sự tự trọng và liêm sỉ, cũng nên biết cách thoái thác, rút lui. Nếu không, sự háo danh ở đây chỉ có thể gọi là “xú danh”. Có đúng vậy không? Chúng tôi xin dành câu trả lời cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Nhưng 42 trang trong sách “Tài năng và đắc dụng” không bằng bản tụng ca  Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng” của bác Lưu Trọng Văn: Đặng Lê Nguyên Vũ “Vĩ cuồng” ư? Đúng! Nhưng chỉ “vĩ cuồng” cái khát vọng làm sao đất nước Việt trở nên vĩ đại. Háo danh ư? Đúng, nhưng không hề háo danh cho mình mà lúc nào cũng hừng hực háo danh cho dân tộc, cho quốc gia ... Dân nhậu cười khì khì, nói đã “vĩ cuồng” “háo danh” vì dân tộc thì cứ tự mình dựng nghiệp lập danh, sao lại chịu núp bóng cây cao bóng cả, chui vào cuốn sách đó làm gì cho mang tiếng xú danh? Tài giỏi bao nhiêu mà hão tất có ngày hao, háo  tất có ngày hỏng. Sự đời xưa nay đều vậy cả, tiếc thay!
6. Những làng hoa nổi tiếng Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá đã mất, bây giờ đến làng cổ Cự Đà. Phóng sự Xoá sổ làng cổ Cự Đà Báo  Nhân dân liên tục hai kì, báo Hà Nội mới cũng kêu: Cự Đà – Làng cổ đang mất dần, cả hai tờ báo Đảng to đùng cùng kêu nhưng xem ra chẳng ăn thua với uy lực của đồng tiền thời đổi mới. “Chỉ từ nay đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, toàn bộ hơn 330ha diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ phải thu hồi nhường cho khu đô thị mới. Trung bình mỗi hộ sẽ nhận được khoảng 3-4 tỷ đồng tiền đền bù đất nông nghiệp, hộ nhiều ruộng tiền đền bù GPMB có thể lên tới 5-6 tỷ đồng. Có tiền, người dân rất có thể sẽ lại phá nhà cũ, xây nhà mới, bởi chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào “ra tay” bảo tồn quỹ nhà cổ ở đây.”
Đến báo Đảng kêu mà “chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào “ra tay” thì cũng lạ quá. Người ta xem thường báo Đảng hay báo Đảng đã mất thiêng? 
7. UBND TP Hà Nội vừa chính thức thông báo bác bỏ việc xây dựng cầu cảng kiên cố trên hồ Tây theo đề xuất của UBND quận Tây Hồ. Nhưng tiếng kêu về sự băm nát Hồ Tây để kiếm lợi vẫn dậy đất. Trong bài “Xẻ thịt” hồ Tây: “Case study” cho đối thoại tham nhũng tài nguyên, nhà báo Phan Lợi đã viết: "Thực tế không phải từ chuyện này mà vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia (như hồ Tây) gần đây đã liên tục được rung lên mạnh mẽ. Qua khảo sát sơ bộ các chuyên gia thấy rằng hiện việc quản lý tài nguyên lỏng lẻo ở mọi khâu, từ thăm dò, cấp phép tới quy hoạch, đấu giá và giám sát. Ở các quy trình đó, nhiều thủ pháp gian dối có điều kiện bộc lộ mà kết cục cuối cùng là lợi ích chỉ có một nhóm người được hưởng, còn hậu quả thì nhà nước và xã hội gánh. Hơn thế, sự thiếu trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các địa chỉ và thời điểm cụ thể tuy đã được “chỉ mặt, đặt tên”, song việc ngang nhiên “xẻ thịt” hồ Tây để phục vụ việc tiêu dùng của một nhóm người có tiền dựa trên các tài liệu “quá date” thì chưa ai biết gọi tên là gì?!”
Là Tiền chứ là gì nữa. Ôi Tiền, chỉ có mày mới thực sự sống mãi trong sự nghiệp của chúng tao! Đó là tiếng kêu của giới quan liêu dân tham nhũng, phải vậy không ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét