Nhãn

18 tháng 5, 2016

868. Bí ẩn hợp đồng BOT đường bộ: Nhà đầu tư luôn có lãi?

Vốn vay ngân hàng, thu phí của dân

Trong các hợp đồng BOT được tham khảo, hầu hết các nhà đầu tư đều đi vay vốn ngân hàng với tỷ lệ lớn có khi lên đến hơn 85% và vốn tự có chỉ 15%.

Hợp đồng BOT đoạn Quốc lộ I Cai Lậy, Tiền Giang với chiều dài khoảng 40km. Tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ, nhưng chủ đầu tư chỉ có trên 200 tỷ, vay gần 1.200 tỷ đồng.

Dự án mở rộng đoạn quốc lộ I tỉnh Bình Thuận chiều dài 44,7 km, tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ gần 400 tỷ đồng, còn lại vay gần 2.200 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn).

Nhiều hợp đồng BOT khác vốn chủ sở hữu cũng chỉ 15%, còn lại đi vay ngân hàng.

Dự án mở rộng quốc lộ I đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ. Nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có gần 280 tỷ, chỉ chiếm khoảng 13,67%, còn lại là 1.762 tỷ đồng đi vay, chiếm 86,3% tổng vốn đầu tư.

Về mặt luật pháp, các nhà đầu tư không sai. Nhưng Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, quy định nhà đầu tư có tối thiểu 15% vốn trên tổng vốn đầu tư dự án BOT hoặc ít hơn với dự án trên 1.500 tỷ là quá thấp. Nhà đầu tư thực hiện dự án chủ yếu dựa vào vốn vay, lãi suất cao, chẳng khác gì “tay không bắt giặc”.

Thậm chí, ở đây còn có sự vô lý thể hiện ở chỗ, nhà nước huy động tư nhân vào đầu tư hạ tầng vì nhà nước thiếu tiền. Nhưng nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng cũng lại chỉ dựa vào vốn vay để thực hiện dự án.

“Nếu để nhà nước đi vay bằng trái phiếu, rồi đầu tư làm đường, chắc chắn lãi suất thấp hơn việc nhà đầu tư đi vay ngân hàng”, ông Trương Thanh Đức băn khoăn và cho rằng cần nâng tỷ lệ này lên 50%, thậm chí 70%.

Vì sao các ngân hàng lại rộng rãi cho vay các dự án BOT như thế? Bởi vì mức lãi vay để tính toán thời hạn hợp đồng được Bộ GTVT và các nhà đầu tư tạm tính ở mức khá cao, ở mức 10-12% (có điều chỉnh trong trường hợp lãi suất thực tế trung bình hàng năm thay đổi).

Như thế, mỗi dự án đều phải trả lãi vay hàng trăm tỷ đồng trong quá trình đầu tư dự án. Và thực tế, đã có chủ đầu tư khi xin tăng phí đã tuyên bố nếu không tăng phí thì phá sản vì tăng cũng mới chỉ đủ trả lãi ngân hàng.

Ông Đức băn khoăn: “Tôi xem xét các hợp đồng đường bộ BOT, gần như nhà đầu tư không có rủi ro. Đáng lẽ, trong trường hợp này lãi ngân hàng phải cực thấp, làm sao được cao như thế”.

Không có dự án nào an toàn chắc chắn trong tất cả lĩnh vực cho vay. Nhưng cho vay dự án đường bộ BOT thì ngược lại. Ngân hàng chắc chắn không bao giờ mất vốn. Như thế họ sẽ cho vay càng nhiều càng tốt.

“Tôi mà làm ngân hàng tôi cũng muốn cho vay”, ông Đức nói.

Đảm bảo có lãi, không bao giờ lỗ?

Nghiên cứu các điều khoản về thu phí, Luật sư Trương Thanh Đức không khỏi giật mình vì nhiều điều khoản đảm bảo nhà đầu tư không có rủi ro gì về mất vốn đầu tư, kể cả trường hợp bất khả kháng, thiên tai, chiến tranh, thay đổi pháp luật…

Cũng tương tự, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội thốt lên: “Quá chiều nhà đầu tư rồi!”

Những tình tiết trong hợp đồng từ thay đổi thiết kế, giá vé, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, cho đến mật độ phương tiện, thiên tai địch họa, lãi suất ngân hàng… nếu ảnh hưởng doanh thu nhà đầu tư đều được bảo vệ bằng cách kéo dài thời gian thu phí. Bình luận điểm này, một chuyên gia am hiểu về BOT chia sẻ: “Điều này có nghĩa, nếu không được tăng giá vé thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư. Giá vé không tăng mà thời gian thu phí tăng lên gấp đôi thì nhà đầu tư cũng không sao”.

Đáng chú ý, ở điều khoản về sự kiện bất khả kháng, các hợp đồng cũng cài thêm nhiều lý do khiến nhà đầu tư được kéo dài việc thu phí.

Thậm chí, mục này còn có nội dung nếu việc thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư như tính toán, thì “Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ cho nhà đầu tư về cơ chế, chính sách, đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư”.

Điều khoản này còn được quy định thoáng hơn trong Hợp đồng Cai Lậy – Tiền Giang, Bộ GTVT và nhà đầu tư không phải trình cơ quan nào khác về việc thay đổi thời gian thu phí, mà hai bên tự thương thảo theo hướng kéo dài cho nhà đầu tư.

Cụ thể: “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư”.

Bất khả kháng thường chỉ quy định về thiên tai, địch họa, những tình huống bất thường ngoài tầm kiểm soát chứ không thể vì bài toán kinh doanh tính sai cũng được đưa vào để miễn nhiễm trách nhiệm.

“Những dự án kinh doanh khác, khi có sự kiện bất khả kháng thì nhà đầu tư vẫn phải gánh chịu. Riêng các dự án BOT này tuyệt đối an toàn, luôn luôn có lãi, không thể lỗ. Nó chỉ thu hồi vốn nhanh hay chậm”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Còn ông Bùi Danh Liên nhận xét: 'các điều khoản trong các hợp đồng này đều bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đến cùng". Luật sư Trương Thanh Đức có chung quan điểm: “Tóm lại quy định trong những hợp đồng này tuyệt đối chắc chắn, có lợi lớn cho nhà đầu tư, song lại vô cùng bất lợi cho người sử dụng, ảnh hưởng cho hiệu quả của cả nền kinh tế”.

Theo ông Bùi Danh Liên, nhìn các hợp đồng này, có thể thấy “nhà đầu tư được ký hợp đồng cũng ngon lành, người cho nhà đầu tư vay vốn cũng ngon lành. Chỉ khổ là người dân, các DN phải trả phí”.

Nhắc đến câu chuyện từ Hà Nội về Thái Bình 100km tới 4 trạm thu phí, tiền phí đường nhiều hơn tiền xăng dầu, đại diện các DN vận tải Hà Nội trăn trở: “Xin mời các vị quan chức bỏ tiền túi ra, đi xe biển trắng thì mới thấm đòn phí BOT”.

Hà Duy

13 tháng 5, 2016

867. Chúa trời và con đường đáy biển

XUÂN DƯƠNG

07:47 13/05/16
(GDVN) - Dù chọn sao hay chọn đường mòn thì điều quan trọng nhất vẫn là đích đến. Chọn sai đường sẽ mất thời gian, chọn sai đích sẽ mất tương lai

Có một chủng tộc khiến nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng không ít người ghen ghét vì sự thông minh là người Do Thái, dân tộc này có một ngày lễ trọng trong năm là “Lễ Quá hải” còn gọi là Lễ Vượt biển (Jewish Passove) [1]. “Lễ Quá hải” bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử được đề cập chi tiết trong Kinh Thánh – phần Cựu Ước.

Chuyện kể về hành trình chạy trốn khỏi Ai Cập của người Do Thái cổ đại đã được Chúa giúp đỡ bằng cách tách đôi biển cả thành một con đường cho dòng người chân trần, đói khát băng qua.
Khi quân Ai Cập đuổi đến, Chúa khép biển trở lại khiến vô số quân lính Ai Cập chết đuối.

Người Do Thái được Chúa ban cho mảnh đất chỉ có cát trắng và nắng nóng nhưng họ vô cùng biết ơn bởi họ có được điều quý giá nhất là Tự do.
Tự do chắp đôi cánh cho Sáng tạo vì thế ngày nay dù là một quốc gia nhỏ bé chưa đến 20 triệu người, Do Thái vẫn là một cường quốc trên bản đồ chính trị toàn cầu.

Nếu người Do Thái được Chúa ban cho rừng vàng, biển bạc, nhưng họ loay hoay tìm mãi mà vẫn chưa hiểu ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “Tự do”, liệu Sáng tạo có được chắp thêm đôi cánh?

Ngay cả khi đã có đôi cánh, nếu không gian của Sáng tạo lại là chiếc lồng “Tự do” được hút chân không thì dù kiên trì đến mấy cũng không thể cất cánh.
Muốn giang rộng đôi cánh, phải có bầu trời.

Có người cho rằng, Chúa trời không công bằng với chính những đứa con của mình, Người cứu vớt đứa con Do Thái mà lại hy sinh đứa con Ai Cập.

Tuy thế, không thể nói Chúa đã sai lầm, bởi Người đã sớm nhận thấy sự lụi tàn của đế chế Ai Cập, một trong số ít nền văn minh rực rỡ nhất địa cầu.
Sự tàn bạo của các Pharaoh trong cai trị dân chúng, sự ngạo mạn trong việc xây Kim tự tháp hòng đạt đến sự bất tử là con đường tự nhiên dẫn đến diệt vong.
Thế nên, hy sinh đứa con ngạo ngược, chuyên chế để giữ lại những đứa thông minh mới chính là sự sáng láng của Chúa.
Những đứa con được Chúa cứu vớt đã sản sinh cho nhân loại khoảng 160 nhà khoa học được giải Nobel, chiếm 20% tổng số người được giải toàn cầu.

Nơi trần thế này chẳng hiếm trường hợp vua chúa, quan lại vì những đứa con riêng của mình mà hy sinh cả bàn dân thiên hạ, vì phe nhóm của mình mà dửng dưng nhìn dân lành sống mòn trong đói khổ, bệnh tật, nhìn đất nước bị ngoại bang dày xéo…

Có một thành phố, nơi khí thiêng hội tụ, nơi “tinh hoa” chen chúc, khi dân chúng kêu gọi đổi thay, người đứng đầu bảo “không vội được đâu”.

“Không vội” nghĩa là cứ chờ, là giữ nguyên như cũ, không vội là dẫu có sai thì cũng chưa cần sửa?
Điều nguy hiểm nhất của “không vội” là không cần phát triển, là chấp nhận trở thành kẻ đi sau, là biến đất nước thành bãi rác cho kẻ đi trước xả thải?

Quan điểm “không vội” không biết từ bao giờ đã thành phương châm xử thế của cả một hệ thống. Rừng bị tàn phá: không vội; sông cạn trơ đáy: không vội; dân bị tù oan: không vội; thực phẩm bẩn lan tràn: không vội…

Bộ phim truyền hình Đảo Đười Ươi (Orangutan Island) do kênh truyền hình Khám phá thế giới (Discovery World HD) trình chiếu mô tả hoạt động tại một Trung tâm cứu hộ đười ươi.
Hàng trăm cá thể đười ươi mồ côi được cứu hộ về đây chăm sóc, khi khỏe mạnh chúng được thả lên một hòn đảo, trở về cuộc sống hoang dã.

Điều lo lắng nhất của nhân viên Trung tâm cứu hộ là bầy đười ươi khi thả về rừng bị mất đi hầu hết bản năng tự nhiên.
Chúng không biết bẻ cành cây làm chỗ ngủ, không chịu leo cây mà đi trên mặt đất, nhiều con ngủ ở gốc cây, bụi cỏ, chúng chờ người mang thức ăn tới, tranh giành nhau khiến phần lớn thức ăn rơi vãi xuống nước…

Có một nơi được khẳng định là tiến hóa hơn, văn minh hơn xã hội đười ươi, nhưng một bộ phận không nhỏ cá thể “không phải đười ươi” ở đó dù không cùng loài song lại giống lũ đười ươi Orangutan Island đến kinh ngạc. 

Sự giống nhau đầu tiên phải kể đến là bẩn, đặc biệt là ăn bẩn, ăn không chừa một thứ gì, không chỉ “ăn” các thứ có thể nhai mà còn “ăn” cả các thứ không thể nuốt, tỷ như “danh hiệu anh hùng”.

Sự giống tiếp theo là “gãi”, đười ươi ngồi đâu cũng gãi, bạ chỗ nào gãi chỗ ấy, đằng này “gãi” là một biện pháp chống “dị nghị” nên giới hạn chỉ được phép gãi từ vai trở xuống… 
Mã di truyền của những cá thể “không phải đười ươi” là bắt nạt kẻ yếu, khúm núm trước kẻ mạnh, nếu “to xác” một tí thì tìm cách tranh giành địa vị con đầu đàn.

Được nuôi dưỡng bên trong những hàng rào sắt, khi tự do cũng là lúc lũ đười ươi Orangutan Island mất đi khả năng sáng tạo mà thiên nhiên ban cho tổ tiên của chúng.
Dẫu có dạy dỗ mãi thì chúng cũng không thấm vào đầu chút gì, ngoại trừ khả năng bắt chước.

Điều này có phải cũng  đúng với xã hội loài người?

Trong một Vương quốc hùng mạnh, vị Quân vương anh minh không thể có đám cận thần dốt nát. Có thể có những kẻ tham lam, quỷ quyệt nhưng chắc chắn đó đều không phải là người đần độn.
Nếu trong đám cận thần được Quân vương tuyển chọn có quá nhiều người thiếu trí tuệ, thừa lòng tham thì liệu Quân vương có phải là bậc tài cao, đức trọng?

Một trưởng “cấp Cục” gọi chủ tư bản doanh nghiệp nước ngoài là “đồng chí”? Làm đến trưởng của một Cục, người ta chắc chắn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn về lý luận.
Bộ “sưu tập” bằng cấp chắc phải là một tập dày gồm bằng đại học (mà cũng có thể là thạc sĩ hoặc tiến sĩ) mấy bằng lý luận sơ, trung, cao... Không biết khi học người ta có dạy cho cá thể ấy “đồng chí” nghĩa là gì?

Cũng có thể, trên con đường tiến hóa, cá thể ấy có cách định nghĩa “đồng chí” của riêng mình, nếu đã đi trước thời đại như vậy, ngồi ở vị trí ấy để làm gì?
Còn nếu vẫn là thành viên “nhóm không vội” nghĩa là không đi trước thời đại, vì sao “được dạy dỗ đến nơi đến chốn” mà lại không thấm được chút gì vào đầu, lại xem kẻ bóc lột đồng bào mình là “đồng chí”?

Một “cấp Sở” khi được thông báo, rằng hòn đảo vốn được mệnh danh là “thiên đường chim hải âu” nay không còn bóng chim nào đã trả lời “chim chết là việc chim chết, không liên quan gì đến tôi”? [2].
Thế nhưng lại có chuyện một cán bộ khác bị mất ba con chim, thế là khởi tố, thế là bắt giam mấy kẻ ngỗ ngược dám cả gan trộm chim chào mào quan Sở .

“Chim trời” vốn không phải của Sở nên có chết cũng chẳng liên quan gì, “chim Sở” dù chẳng phải  “của Trời” nhưng dẫu sao vẫn là tầm … “chim Sở”.

Chúa cho dân Do Thái mảnh đất khô cằn, chỉ có nắng nóng và cát bụi.
Người tin dân Do Thái sẽ sống tốt vì Người biết “Kẻ dẫn dắt” trong đám con dân Do Thái đã sớm nhận thấy hạnh phúc trong nước biển và ánh sáng, ánh sáng trở thành điện, điện biến nước biển thành nước ngọt, nước ngọt đem đến mùa màng bội thu…

Nếu người Do Thái cứ ngồi khóc trong hào quang ánh sáng, cứ mơ ước về một thiên đường xa vời chưa bao giờ hiển hiện, liệu họ có được như ngày nay?

Dân tộc nào, xã hội nào cũng có giai đoạn thăng trầm, sau vinh quang là cay đắng, cam tâm sống trong cay đắng chỉ là Con, biết nuốt tủi hổ vươn lên sẽ là Người.

Trên thế gian, không phải chỉ có một con đường duy nhất để “Con” biến thành “Người”, vấn đề là “Con đầu đàn” chọn sao trên trời để định hướng hay nhìn đường mòn để bước theo?

Dù chọn sao hay chọn đường mòn thì điều quan trọng nhất vẫn là đích đến. Chọn sai đường sẽ mất thời gian, chọn sai đích sẽ mất tương lai.

Trên đời này có ai dám khẳng định mình nhìn thấy chính xác tương lai phía trước? Nếu đã không chắc xã hội loài người tương lai chính xác sẽ thế nào thì dựa vào đâu để khẳng định nó là thiên đường chứ không phải ảo vọng, làm sao biết đang đi đúng hướng hay chệch hướng?

Trí tuệ con người vốn không có giới hạn, vốn luôn luôn phát triển. Những gì mà bộ não con người có thể nghĩ ra, sớm muộn sẽ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên đó phải là những suy luận logic, phù hợp với quy luật tự nhiên chứ không phải kiểu “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”.
Áp đặt cái thiển kiến của một người cho muôn người không phải là sản phẩm trí tuệ, đó chỉ là sự cưỡng bức mang màu trí tuệ.

Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều đã từng khắc khoải thốt lên:

Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Chẳng biết hơn ba trăm năm sau, Người đời có ai khóc Tố Như chăng?
)

Truyện Kiều trở thành cẩm nang cho một nét văn hóa dân gian là “Bói Kiều”, vậy nhưng Tố Như cũng không thể biết hậu thế vài trăm năm sau sẽ có ai khóc cho số phận của ông?
Tài liệu tham khảo:
[1]Cụm từ "Jewish Passover” dịch sát nghĩa là “Lễ Vượt qua” song vì nó gắn với câu chuyện vượt biển của người Do Thái nên nhìn chung, các học giả vẫn dịch là “Lễ Quá hải” hay “Lễ Vượt biển”
Xuân Dương


10 tháng 5, 2016

866. FORMOSA HÀ TĨNH 'ĐẺ NON' VÀ ‘PHỚT LỜ BẢO ĐẢM MÔI TRƯỜNG'

Ts. NGUYỄN THÀNH SƠN
Chúng tôi đã từng chủ trì và/hoặc tham gia soạn thảo và/hoặc thực hiện các thủ tục trình các cơ quan nhà nước phê duyệt các Báo cáo đầu tư, PFS, FS, ĐTM, các Hồ sơ mời thầu v.v. của các dự án nhiệt điện chạy than của TKV có tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 120÷600 triệu U$.
Qua nghiên cứu Báo cáo đầu tư của dự án Formosa (2008) có tổng mức đầu tư giai đoạn đầu lên tới 7,897 tỷ U$, chúng tôi thấy tiến độ chuẩn bị đầu tư (từ khảo sát tình hình đến cấp giấy phép) của dự án này nhanh đến khó tin.
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy cần nêu ra dưới đây những bất cập có liên quan đến trình tự/thủ tục đầu tư cũng như chất lượng của dự án Formosa để các cơ quan chức năng và/hoặc có thẩm quyền của VN tham khảo, góp phần nhanh chóng điều tra kết luận về nguyên nhân của vụ cá chết ở ven bờ biển miền Trung theo yêu cầu của Thủ tướng:
Tóm tắt dự án
Chủ đầu tư dự án liên hợp thép - cảng Sơn Dương Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) gồm 6 công ty:
- Công ty cổ phần hữu hạn nhựa công nghiệp Đài Loan
- Công ty cổ phần hữu hạn nhựa công nghiệp Nam Á
- Công ty cổ phần hữu hạn sợi hóa học Đài Loan
- Công ty cổ phần hữu hạn dầu khí Formosa
- Công ty cổ phần hữu hạn công nghiệp nặng Formosa
- Công ty trách nhiện hữu hạn Sunsco Holding Ltd.
Dự án Formosa Hà Tĩnh được chia thành 3 giai đoạn:
* Giai đoạn 1 (gồm 2 bước):
- Bước 1-1, đầu tư liên hợp luyện gang thép và cảng công suất 7,5 triệu tấn/năm;
- Bước 1-2, sẽ nâng công suất lên đạt và 15 tr.t/năm;
Tổng mức đầu tư bước 1-1 (gồm tổ hợp gang-thép và cảng biển Sơn Dương) khoảng 7,897 tỷ đô la.
* Giai đoạn 2: xây dựng tổ hợp nhà máy lọc dầu công suất 15 tr.tấn dầu thô/năm và 1,2 tr.tấn ethylene/năm;
* Giai đoạn 3: Xây dựng cảng Sơn Dương thành cảng tổng hợp phục vụ trung chuyển hàng hóa trong khu vực (gồm cả bắc Thái Lan và nam Lào).
Địa điểm triển khai: Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Tổng diện tích chiếm đất chỉ riêng giai đoạn 1 là 44.476.751m2 (4.448 ha), bao gồm toàn bộ cảng biển sâu nhất khu vực miền Trung là Sơn Dương.
Như vậy, có thể thấy, Formosa là một “siêu dự án” được triển khai trên một địa bàn chiến lược về kinh tế và quốc phòng của VN.
Thủ tục đầu tư đã được tiến hành theo kiểu đối phó
Nếu tính cả 3 giai đoạn, Formosa là một dự án rất lớn, có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đô la. Nhưng thời gian nghiên cứu, khảo sát, làm thủ tục, xin giấy phép rất ngắn. Điều này cho phép nghi ngờ chất lượng của dự án “chục tỷ đô” này. Cụ thể như sau:
Theo báo cáo của Formosa, năm 2007, “sau nửa năm nghiên cứu khỏa sát điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam”, Formosa đã “Mời lãnh đạo tỉnh Hà Tính, đại diện văn phòng chính phủ Việt Nam, đại diện bộ công thương và bộ kế hoạch đầu tư Việt nam đến Đài Loan thăm và khảo sát, tìm hiểu các vấn đề…” “Báo cáo với thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về kế hoạch đầu tư của tập đoàn và xin ý kiến của thủ tướng; Báo cáo với thủ tướng Hoàng Trung Hải về kế hoạch đầu tư của tập đoàn và xin ý kiến của thủ tướng; Báo cáo với chánh văn phòng quốc hộ Trần Đình Đàm về kế hoạch đầu tư của tập đoàn và xin ý kiến của ngài chánh văn phòng” (hết trích dẫn nguyên văn, kể cả sai ngữ pháp).
Sau đó, ngày 09/11/2007, Chủ tịch Công ty Sunsco Holding Ltd. (có trụ sở tại quần đảo Cayman, vùng Caribe - nằm giữa Cu Ba và Jamaica, là thiên đường của các công ty để rửa tiền và trốn thuế) và chủ tịch tổng công ty Formosa công nghiệp nặng có trụ sở ở Đài Bắc đã gửi “Thư quan tâm đầu tư” (thực ra chỉ là một mảnh giấy tiếng Anh, không có tên người ký, không có địa chỉ phát hành, không dấu, không logo v.v.) gửi UBND Hà Tĩnh bầy tỏ kế hoạch đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng tổ hợp nhà máy luyện thép với tổng công suất 15 triệu tấn/năm; đồng thời bầy tỏ “hy vọng được trao đổi với các sở/ban ngành có liên quan của Hà Tĩnh về kế hoạch đầu tư, và được tổ chức gặp để báo cáo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để kế hoạch nhận được giấy phép của chính phủ trung ương sớm nhất có thể”.
Sau khoảng 1 tháng, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ký văn bản số 3182/UBND-CN2 ngày 12/12/2007 v/v đầu tư vào Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa. Văn bản này đã “đề nghị Tập đoàn tiến hành khảo sát, lập hồ sơ các dự án báo cáo Chính phủ VN, các Bộ ngành Trung ương có liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh để kịp thời hoàn chỉnh thủ tục đầu tư theo qui định hiện hành”. Đây thực chất là một văn bản vô trách nhiệm (bỏ qua các thủ tục tìm hiểu/đánh giá về năng lực của chủ đầu tư) và trái thẩm quyền (góp phần làm phá vỡ các qui hoạch lớn về kinh tế của Chỉnh phủ, gồm các qui hoạch về thép, điện, cảng biển v.v).
Sau đó 12 ngày, Tập đoàn Formosa đã thực hiện xong ý kiến chỉ đạo tại văn bản nói trên của Phó chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự, xây dựng xong báo cáo đầu tư về hai dự án khu liên hợp luyện thép (15 tr.t/năm) và cảng tổng hợp Sơn Dương (200.000 DTW) để trực tiếp báo cáo phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào ngày 24/12/2007.
Sau đó 3 ngày, ngày 27/12/2007, Tổng giám đốc Tổng công ty Formosa công nghiệp nặng Ngô Quốc Hùng đã có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó khẳng định: “Chúng tôi đã xây dựng Báo cáo đầu tư về hai dự án trên để trình Chính phủ Việt Nam. Theo đó thời gian hoàn thành lò cao thứ 1 của giai đoạn 1 được rút ngắn từ 48 tháng xuống còn 36 tháng. Nay chúng tôi xin gửi tới ngài báo cáo đó, rất mong được Ngài và các cơ quan hữu quan của Chính Phủ Việt Nam sớm chấp thuận.” và hứa: “Ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của chính phủ Việt nam, chúng tôi sẽ triển khai việc lập báo cáo tiền khả thi và tháng 3/2008 sẽ trình lên các cơ quan hữu trách của Việt Nam.” (hết trích dẫn).
Qua sự việc trên cho thấy, Báo cáo đầu tư của dự án qui mô hàng chục tỷ đô la chỉ được thực hiện vỏn vẹn trong vòng 12 ngày, đã được trình lên tới Chính Phủ VN.
Ngày 15/01/2008, Tổng giám đốc Tổng công ty Formosa công nghiệp nặng Ngô Quốc Hùng, từ Đài Bắc đã gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Thư bảo đảm xin đầu tư xây dựng dự án cảng Sơn Dương và khu liên hợp gang thép tại Hà Tính”.
Mặc dù thư này được gửi cho Thủ tướng, nhưng ngay ngày hôm sau, từ Hà Tĩnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã ký công văn số 102/UBND/CN2 ngày 16/01/2008 về việc đầu tư vào Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa (Đài Loan). Công văn này đã khẳng định: “Sau khi xem xét văn thư ngày 15/01/2008 của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) về việc cam kết đầu tư Dự án cảng Sơn Dương và Dự án nhà máy luyện thép công suất 15 triệu tấn/năm… UBND tỉnh Hà Tĩnh xin báo cáo và đề nghị như sau: … Formosa là Tập đoàn có các nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng biển và luyện thép… Kính đề nghị Thủ tướng Chính Phủ và các Bộ, ngành liên quan cho phép Tập đoàn lập dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện dự án nói trên”.
Như vậy, bằng công văn 102/UBND/CN2 ngày 16/01/2008 nói trên phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cố tình hợp thực hóa công văn số 3182/UBND-CN2 ngày 12/12/2007. Văn bản trên còn cho thấy rõ hành động vô trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi Formosa là đối tác được thế giới bêu danh hàng đầu trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, thì, chỉ trong vòng 24h, sau khi Formosa “cam kết đầu tư” với Thủ tướng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng với Thủ tướng: “Formosa là Tập đoàn có các nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng biển và luyện thép”!!!.
Những ưu đãi không có cơ sở
Mặc dù Formosa chưa trình dự án, ngày 28/02/2008, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng- Hà Tĩnh đã lập “Biên bản ghi nhớ về điều kiện ưu đãi đầu tư cho dự án nhà máy thép và cảng Sơn Dương”. Biên bản này đã nêu cụ thể 14 mục ưu đãi đối với Formosa. Trong đó, có những mục như “Thời gian thuê đất 70 năm, kể từ khi hợp đồng thuê đất có hiệu lực”. Đây là hành động “cầm đèn chạy trước ô tô” của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vì, sau đó 4 ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới ký văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 04/3/2008 “về việc đầu tư xây dựng Nhà máy luyện thép và cảng nước sâu tại Hà Tĩnh”, trong đó có nội dung: “UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án đầu tư và hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổ chức thẩm định Dự án và hồ sơ theo quy định hiện hành của Luật đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo trên, thay vì phải “hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án đầu tư” theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 25/3/2008, cũng chính Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, đã ký “Biên bản ghi nhớ bổ sung, sửa đổi về điều kiện ưu đãi đầu tư cho dự án nhà máy thép và cảng Sơn Dương”. Trong đó, mục “Thời gian thuê đất 70 năm, kể từ khi hợp đồng thuê đất có hiệu lực” đã được sửa đổi thành: “Thời gian thuê đất 70 năm, kể từ khi hợp đồng thuê đất có hiệu lực. Trước khi hết hạn thuê đất 2 năm nếu có nhu cầu, nhà đầu tư (FORMOSA) phải trình UBND tỉnh Hà Tĩnh đơn xin thuê đất cho thời gian tiếp theo và trong vòng 03 tháng (kế từ ngày nhận được đơn xin thuê đất), UBND tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm trả lời nhà đầu tư. Khi đó, FORMOSA là nhà đầu tư được ưu tiên để tiếp tục thuê đất nhưng chính sách thuê đất được áp dụng theo quy định của luật Việt Nam tại thời điểm hiện hành”.
Qua sự việc trên cho thấy, trong khi chủ đầu tư chưa trình Dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký biên bản thỏa mãn tất cả các yêu cầu của chủ đầu tư. Đặc biệt, việc giao đất 70 năm được bổ xung các điều kiện được chấp nhận kéo gần như vô thời hạn.
Mặc dù Báo cáo đầu tư của Formosa chưa được lập và chưa được các cơ quan hữu quan phê duyệt, ngày 09/4/2008, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ký văn bản số 858/UBND-CN2 về việc xác nhận ưu đãi đầu tư cho Tập đoàn Formosa. Văn bản này đã đưa ra 5 ưu đãi về thuế, 3 ưu đãi về đất, 2 ưu đãi về bồi thường, giải phóng mặt bằng, 4 hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, 2 hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, và 1 hỗ trợ về chi phí quảng cáo. Riêng về ưu đãi thuê đất, văn bản đã khẳng định “Thời gian cho thuê đất là 70 năm. Khi hết hạn thuê đất, nếu có nhu cầu, Formosa sẽ được ưu tiên tiếp tục thuê đất; chính sách thuê đất được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm đó”.
Nhờ có những ưu đãi “từ trên trời rơi xuống”, ngày 11/4/2008, hai ngân hàng Hongkong and Shanghai Banking Corporation Ltd. (HSBC) và Mega International Commercial Bank Co., Ltd đã có “Thư quan tâm” gửi cho Formosa. Trong đó, HSBC đã lưu ý nếu chính sách của chính phủ thay đổi thì Thư quan tâm này sẽ cần được HSBC khẳng định lại!
Những rủi ro về môi trường chưa được xem xét
Dự án Formosa có nhà máy luyện gang thép với công nghệ lạc hậu, nên phải dùng than mỡ để luyện coke cho lò cao. Nhu cầu than mỡ hàng năm phải nhập khẩu là 3,623 triệu tấn để luyện ra 2,52 triệu tấn coke (xem tr.24, Thuyết minh tổng hợp). Ngoài ra, hàng năm Formosa phải sử dụng khoảng 0,642 triệu tấn dolomit; 1,442 triệu tấn đá vôi, và 1,296 triệu tấn than cám.
Quy trình luyện coke thải ra rất nhiều độc tố vì than mỡ dùng để luyện coke thường có chứa các chất rất độc hại và nguy hiểm, như: sulphure (≈ 0,3%) chlorine (≈0,03%), phosphorous (≈0,001%); và arsenic (≈0,004%).
Như vậy, Chỉ riêng 3 loại chất cực độc (là chlorine, phosphorous, và arsenic) chứa trong than mỡ đã khoảng 0,035%. Với lượng tiêu dùng 3,623 triệu tấn/năm, chỉ riêng khâu luyện coke sẽ thải ra môi trường dưới mọi hình thức ít nhất 1.268 tấn/năm chất cực độc nói trên.
Đáng lưu ý, những loại than dùng để luyện coke được Formosa đã nhập về VN đều là những loại than rẻ tiền. Thay vì nhập khẩu than mỡ, Formosa đã nhập khẩu than bitum vào VN để luyện coke. Cụ thể, năm 2014, Formosa đã nhập khẩu 960.466 tấn than bitum từ Indonesia với giá bình quân gần 84 U$/tấn và năm 2015, Formosa đã nhập khẩu 87.923 tấn than bitum từ Canada để luyện coke với giá bình quân 82 U$/tấn. Các thành phần độc tố nói trên trong các loại than bitum rẻ tiền này chắc chắn còn cao hơn nhiều so với trong than mỡ đắt tiền (khoảng 200 U$/tấn).
Nhà máy luyện coke của Formosa theo thiết kế có công suất 2,86 triệu tấn/năm. Như vậy, cũng theo thiết kế, lượng khí lò coke (COG) hàng năm lên tới 1,4 tỷ Nm3 (trong điều kiện bình thường) và thải ra khoảng 1,1 triệu tấn xỉ/năm. Ngoài than luyện coke, nhà máy này còn phải sử dụng 1.906 tấn dầu rửa/năm.
Điều đáng lo ngại là trong Báo cáo đầu tư, Formosa đã cố tình không đưa ra các đặc tính kỹ thuật cũng như các thành phần hóa học của các loại nguyên liệu đầu vào được đưa vào sử dụng trong dự án (trong đó có các thành phần độc tố trong than luyện coke và dầu rửa).
Vấn đề bảo vệ môi trường không được đề cập trong Báo cáo đầu tư
Như trên đã nêu, ngày 25/3/2008, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới ký văn bản “Đồng ý chủ trương Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư Nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản nêu trên” (số 102/UBND-CN2 ngày 16/01/2008).
Nhưng ngay trong năm 2008 (không rõ tháng), Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã trình “Báo cáo dự án đầu tư khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh”. Báo cáo đầu tư gồm 2 phần: phần I- Thuyết minh tổng hợp (tổng luận, 116 trang khổ A4) và phần phụ lục; phần II- Giải trình kinh tế-kỹ thuật (gồm 5 chương, 281 trang khổ A4).
Đối với một dự án nhậy cảm với môi trường, có mức đầu tư tới 7,897 tỷ U$, nội dung Báo cáo đầu tư này đã được lập hoàn toàn đối phó, không theo các quy định hiện hành của Luật đầu tư. Trong đó, đặc biệt là phần liên quan đến bảo vệ môi trường.
Trong Thuyết minh tổng hợp, Mục 9.9 “Bảo vệ môi trường” (tr.87÷94) được thực hiện rất sơ sài và rất mơ hồ. Trong đó, mục 9.9.2 “Ứng dụng các giải pháp không chế ô nhiềm” gồm: khống chế ô nhiễm không khí (2 trang); khống chế ô nhiễm nước (1 trang); tận dụng chất thải rắn (>2 trang); khống chế tiếng ồn (<1 trang).
Trong “Giải trình kinh tế-kỹ thuật”, mục 3.2 “Hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải” cũng vỏn vẹn có 4 trang khổ A4 (tr. 3-37÷3-41, kể cả 2 trang hình vẽ). Trong đó, mục 3.2.2.3 “Hệ thống xử lý nước thải” có tổng số chưa đầy 12 dòng (5 dòng về “dự kiến”, 4 dòng về “nước thải sinh hóa” và 2 dòng về “nước thải công nghiệp”).
Với nội dung rất sơ sài của một Báo cáo đầu tư như trên, nhưng, trong một thời gian ngắn kỷ lục, chủ đầu tư đã được cấp đất và triển khai dự án. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng của các hồ sơ dự án do chủ đầu tư lập, trong đó có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và chất lượng tổ chức thẩm định dự án của phía VN trước khi cấp phép.
Việc quản lý môi trường bị buông lỏng
Như chúng ta đã biết, Formosa là một dự án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất nhiệt điện tự dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường tới hàng chục nghìn m3/ngày.
Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà chủ đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Arsenic.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, cơ quan chức năng cần công bố toàn văn ĐTM và những tài liệu liên quan đến việc phê duyệt ĐTM của dự án.
Câu hỏi, liệu hàng tấn chất cực độc nêu trên có dẫn đến cá chết hàng loạt hay không? chúng tôi xin nhường lời cho các nhà khoa học hóa sinh./.
Hà Nội, ngày 01/5/2016

NTS /Chuyên gia tư vấn độc lập/(Tác giả gửi BVB)