Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam nên bắt đầu từ đi tìm chữ tín, làm tất
cả mọi việc có thể để thực hiện chữ tín.
Thiết nghĩ đây là điều quan trọng nhất, thách
thức đến mức sống hay là chết, ĐCSVN lúc này nên làm, nhất là quá trình chuẩn
bị đại hội XII đã bắt đầu.
Sở dĩ đặt vấn đề như vậy là vì những lý do sau
đây:
Một là:
Tuy chưa dám đụng tới bản chất của sự vật,
nhưng tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng không dưới một lần đã phải nói trước
toàn đảng và toàn dân tệ nạn quan liêu tham nhũng và sự tha hóa về phẩm chất và
năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên đã tới mức đe dọa sự tồn vong của chế độ,
làm cho lòng tin của nhân dân vào ĐCSVN giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó đất
nước ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết vượt quá tầm năng lực của
đảng. Tình trạng mất dân chủ và các thói hư tật xấu khác của tàn tích văn hóa
phong kiến tiểu nông hầu như loại bỏ khả năng thay máu đổi mới đảng. Cái gọi là
kiên định ý thức hệ xã hội chủ nghĩa một mặt là vũ khí bảo vệ quyền lực của
đảng, nhưng đồng thời mặt khác là kẻ thù số một đối với mọi xu thế và nỗ lực
trong đảng muốn đổi mới đảng[1].
Nhìn vào đời sống thực, phải nói từ gần một
thập kỷ nay đất nước lâm vào một thời kỳ sa sút toàn diện và trầm trọng nhất
chưa có lối thoát kể từ khi sự nghiệp độc lập – thống nhất của đất nước được
hoàn thành ngày 30-04-1975. Đà phát triển năng động của đất nước bị chặn đứng;
độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải đối phó với những uy hiếp
mới.
Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng nói trên
là: Sự tha hóa của ĐCSVN trong thời bình đã chọn việc bám giữ vai trò cầm quyền
(thực ra là vai trò cai trị) của mình làm mục tiêu tối thượng, sẵn sàng dùng
mọi biện pháp tệ hại có thể của quyền lực để thực hiện mục tiêu này. Lợi ích
quốc gia và quyền làm chủ của nhân dân phải xếp xuống hàng thứ hai và chỉ được
thực hiện khi tình thế bắt buộc và trong chừng mực bảo toàn được quyền lực của
đảng.
Nói cho rốt ráo, quyền lực của ĐCSVN hôm nay
thực chất chỉ còn lại là quyền lực của những người, những nhóm nắm thực quyền
trong đảng; nghĩa là chính bản thân ĐCSVN với tính cách là một tổ chức cũng bị
quyền lực của những người và những nhóm có thực quyền này chi phối. Sự chi phối
này thể hiện rõ nhất ở chỗ cương lĩnh, điều lệ và những nguyên tắc làm việc
trong đảng thường xuyên bị vi phạm ở mọi cấp, nhất là sự vi phạm từ trên xuống;
dân chủ trong đảng thực ra không tồn tại.
Hệ quả đối với toàn đảng là kỷ cương không
nghiêm, tính tiền phong chiến đấu của đảng từng bước bị loại bỏ, trên thực tế
đến hôm nay đảng chỉ còn lại là một lực lượng chính trị mạnh áp đảo, đang nắm
trọn trong tay vận mệnh đất nước.
Hệ quả đối với toàn bộ đời sống đất nước là luật
pháp bị chà đạp, nhiều giá trị đạo đức – xã hội bị băng hoại nghiêm trọng, có
biết bao nhiêu quyết sách đúng thất bại, năng lượng phát triển của đất nước bị
tiêu phí, hủy hoại.
Hệ quả chung cuộc là để bù lại những yếu kém đang
ngày càng đe dọa mình, ĐCSVN buộc phải
tiếp tục “siết” hơn trong việc cầm quyền và đồng thời phải tiếp tục cho dối trá
lộng hành để bảo toàn địa vị nắm quyền của đảng. Tình hình nguy hiểm đến mức độ
ĐCSVN bây giờ có định làm việc gì tốt cũng khó thành công, định nói đúng nói
thật điều gì dân cũng khó tin, không tin.
Nhưng cho dù tăng “siết” và dối trá như thế,
quyền lực của đảng vẫn cứ tiếp tục suy yếu. Dẫn tới đảng và dân ngày càng xa
cách nhau hoặc đối nghịch nhau. Thậm chí ngay trong nội bộ đảng với nhau, chữ
tín thường phải nhường bước trước sức mạnh của dối trá và quyền lực… Chính cái
vòng luẩn quẩn này đang làm mục ruỗng sức sống của ĐCSVN, khiến cho tha hóa
trong đảng ngày càng ngự trị, với hệ quả cực kỳ nguy hiểm: đảng không giữ được
chữ tín đối với dân, còn chữ tín trong dân dành cho đảng bị đánh cắp. Thực tế
này đang làm sâu sắc thêm tình trạng đảng và dân phải đối phó lẫn nhau, và cứ
thế ngày đêm gây thêm tai ương mới cho đất nước.
Đã đến lúc phải thừa nhận: Vì thiếu vắng chữ
tín trong đời sống đất nước, chưa bao giờ ý chí của người dân và của người đảng
viên ĐCSVN bị làm nhụt như hiện nay, lòng dân phân tán. Thử hỏi, đất nước như
thế này làm sao đi lên được?
Hai là:
Đất nước phải bước vào một cuộc chạy đua quyết
liệt với nhiều thách thức mới ập đến từ mọi phía. Nhất là trong bối cảnh khu
vực của chúng ta đang nóng lên những biến động bất thường – nóng bỏng nhất là
cái “đường lưỡi bò”. Thế giới đang diễn ra một cuộc sắp xếp lực lượng mới…
Ngay trước mắt, chuyển đất nước ta đi vào một
thời kỳ phát triển mới như thế nào, hiện nay chưa có lời giải, chưa được chuẩn
bị về rất nhiều mặt. Trong khi đó giai đoạn phát triển đầu tiên của đất nước đã
kết thúc, đặt ra cho đất nước nhiều vấn đề mới và khó, thậm chí cực khó. Lực
lượng nắm quyền lãnh đạo đất nước biết, hoặc không biết thấu, không biết đủ,
hoặc không có khả năng biết đúng nhiều vấn đề đang đặt ra cho đất nước. Quan
trọng hơn thế là lãnh đạo đang giấu dân, hoặc không để dân biết toàn bộ hiện
trạng của đất nước, giấu dân cả về những thách thức mới cũng như tình trạng bất
cập của đảng và của chế độ chính trị. Thất bại và việc dùng đội ngũ dư luận
viên che giấu sự thật chỉ càng tăng thêm hủy hoại lòng tin của nhân dân đối với
đảng. Chữ tín của đảng đối với dân đã thiếu vắng lại càng thiếu vắng.
Có thể lẩy ra một vài điểm để bàn thảo.
Chỉ tính từ khi đổi mới, gần ba thập kỷ đã
qua, nhưng đất nước còn đứng rất xa cái mốc trở thành một nước công nghiệp hóa,
mặc dù mục tiêu này đã nhiều lần được các đại hội đảng điều chỉnh thấp đi (vận
dụng cách nói co dãn) và kéo dài thời gian. Nghị quyết hiện hành nói năm 2020 cơ
bản sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhưng mục tiêu này có đạt được không? Nhất là chưa ai nói được đó sẽ là một
Việt Nam công nghiệp như thế nào trong thị trường của thế giới toàn cầu hóa hôm
nay?..
Tính theo sức mua (PPP), GDP p.c. năm 2013 của
ta bằng khoảng 1/3 của Thái Lan (3500 USD/10.000 USD). Giới chuyên môn đánh
giá, cứ giữ cung cách làm ăn và chế độ quản lý đất nước như hiện nay, Việt Nam
cần vài ba thập kỷ nữa mới đuổi kịp trình độ phát triển của Thái Lan bây giờ
(hiện được coi là nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nghĩa là chưa
phải là một nước công nghiệp).
Không ít nhà kinh tế trong nước và trên thế
giới lo lắng Việt Nam làm sao thoát được cái bẫy thu nhập trung bình thấp, bởi
vì khủng hoảng kinh tế trầm trong hiện nay tuy đang có triển vọng có thể thoát
đáy, song nếu giỏi cũng phải vài ba năm nữa kinh tế Việt Nam mới phục hồi – bởi
vì những u bướu không ít phần ác tính của nợ nần, của những ách tắc mang tính
cơ cấu trong kinh tế, của vỡ bong bóng thị trường bất động sản, của thất thoát
trong các tập đoàn kinh tế quốc doanh, của rối rắm trong hệ điều hành… nan giải
lắm. Sau đó có tìm được đường đi lên hay không – đó sẽ là một câu chuyện khác
và còn để ngỏ. Bởi vì đến giờ này vẫn chưa có chiến lược và mục
tiêu sản phẩm, chưa có quy hoạch bài binh bố trận, chưa biết lấy đâu ra nguồn
lực triển khai kết cấu hạ tầng cho giai đoạn phát triển mới… Lại càng không thể
có một nước công nghiệp hóa trong một thể chế chính trị có bản chất không đáp
ứng được sự vận động của nó… Nghĩa là, ngay từ bây giờ đã thấy không thể
hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020. Mà để chậm như thế một ngày,
uy hiếp mọi mặt đối với đất nước sẽ lớn thêm một ngày. Song cho đến nay đảng
tuyệt nhiên chưa có một lời cảnh báo nào về tình hình này để cả nước định liệu.
Thật đáng lo là hiện nay Việt Nam chưa chuẩn
bị được bao nhiêu cho thời kỳ phát triển mới. Khái niệm chung chung “cơ bản
trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” không vạch
ra được điều gì cụ thể về tư duy chiến lược. Trong khi đó mọi nguồn lực -
kể từ kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng, tiềm năng khoa học kỹ
thuật và công nghệ, sự tích lũy của nội địa, chất lượng của thị trường, năng
lực quản lý của nhà nước, khả năng thực thi của luật pháp, vân vân… - để đưa
Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới đều vô cùng hạn hẹp, thậm chí
thiếu nhiều thứ. Cho đến giờ phút này Việt Nam vẫn chưa có một
chiến lược dưới dạng một chương trình hành động có tính ràng buộc pháp lý (cam
kết bằng luật pháp của quốc hội, của nhà nước, được cụ thể hóa bằng quy hoạch,
kế hoạch…) cho mục tiêu, cho con đường, cho lộ trình các bước đi của một thời
kỳ phát triển mới. Hiển nhiên trí tuệ, tầm nhìn của ý thức hệ cũng như tư tưởng
nhiệm kỳ không cho phép đảng làm việc này.
Xin lưu ý, cùng một xuất phát điểm gần giống
nhau, Hàn Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa trong khoảng 3 thập kỷ (1960 –
1990), với một nguồn lực trong nước và thu hút được từ bên ngoài chỉ bằng ½
khối lượng Việt Nam có được từ đổi mới đến nay (1986 - 2014)! Trong khi đó, đến
hôm nay Việt Nam vẫn chưa giải quyết xong vấn đề nông nghiệp của một quốc gia
công nghiệp hóa, để vừa có một nền nông nghiệp hiện đại theo đúng đòi hỏi của
một nước công nghiệp, vừa có một tỷ trọng là khoảng ¼ hay 1/5 lao động xã hội
làm việc trong nông nghiệp (tỷ trọng này của Hàn Quốc 1990 khoảng 12%, hiện nay
khoảng 6%). Trớ trêu hơn nữa, hiện nay đang cùng một lúc xảy ra hiện tượng nông
dân ta không đủ ruộng làm, nhưng diện tích nông dân trong cả nước bỏ ruộng
hoang lên đến nhiều vạn hecta – chỉ vì làm nông nghiệp như hiện nay không sống
được (bỏ ruộng vì biến đổi của môi trường tự nhiên không tính). Luật pháp và
các chính sách hiện hành hầu như bất lực trước thực trạng này, cũng không thể
hỗ trợ quá trình tích tụ ruộng đất để đi lên sản xuất lớn và hiện đại. Nông dân
nhiều nơi đành tự lo, tự phá rào, luật pháp chứa chấp thêm những bất thiêng
mới, kinh tế xuất hiện những rủi ro mới...
Cho đến hôm nay và trong vòng một, hai thập kỷ tới,
chưa làm sao xác định được công nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong chuỗi cung / ứng
nào, chiếm lĩnh sản phẩm nào, thị phần nào trong nền kinh tế toàn cầu hóa…
Chẳng lẽ vẫn cứ dệt may là chủ lực? Rồi đây sẽ vươn lên
đến xuất khẩu hộ thép và sản phẩm lọc dầu được nước ngoài đưa vào sản xuất trên
đất nước ta? – nghĩa là tiếp thu một nền công nghiệp bẩn, biến đất nước ta
thành đất nước cho thuê đất đai và môi trường, dân ta trở thành người đi làm
thuê bằng lao động cơ bắp là chủ yếu!.. Chưa nói đến, hiện nay nếu
không giải quyết thành công hàng năm đưa hàng chục vạn người đi lao động ở nước ngoài thì không thể giải quyết được vấn
đề thất nghiệp và vấn đề xóa đói giảm nghèo. Rồi hàng vạn phụ nữ Việt Nam phải
đi lấy chồng nước ngoài chỉ vì lý do kinh tế!.. Vân vân và vân
vân.
Nước ta có tứ trụ của hệ thống chính trị là
tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Một điểm nổi bật là
tất cả những vị lãnh đạo này khi đăng đàn tại các địa phương, các bộ, ngành..,
đều chỉ thị và chỉ đạo công việc rất sát sao: nêu câu hỏi cho kinh tế phải nuôi
con gì, trồng cây gì, đặt vấn đề phải phát triển sản phẩm gì, phải phấn đấu xây
dựng nông thôn mới ra sao, phải thi đua học tập tấm gương và đạo đức của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, phải xây dựng đảng vững mạnh, phải phát huy quyền làm chủ của
dân… Không thể không đặt ra nhiều câu hỏi: Nếu chỉ thị và chỉ đạo giống nhau
như vậy có phải là nhiệm vụ giống nhau của cả tứ trụ không? Nếu làm một việc
giống nhau như thế liệu có cần cả 4 người không? Làm việc như thế, nhiệm vụ
được phân công riêng cho từng vị sẽ như thế nào? V… v... Chỉ một ví dụ nhỏ này
đủ phản ảnh sự rối rắm, chồng chéo và chồng lấn lên nhau với nhiều hệ lụy rất
tệ hại của hệ thống chính trị quốc gia: đảng, nhà nước (?), quốc hội và chính
phủ. Hàng ngày đất nước có muôn vàn ví dụ rối rắm chồng chéo nhau như thế. Mọi
đề nghị cải cách thể chế chính trị - nhất là vào dịp sửa đổi hiến pháp - để
khắc phục sự rối rắm này đều bị bác bỏ - với giải thích: Đấy là cách thực hiện
sự thống nhất quyền lực của hệ thống chính trị và của nhà nước dưới sư lãnh đạo
toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN. Vân vân…
Ba là:
Vốn quý nhất của nước ta là con người và vị
trí địa kinh tế - địa chiến lược của Việt Nam. Nhiều nước mơ có được lợi thế
này. Nhưng nền giáo dục và thể chế chính trị hiện hành là những nguyên nhân
hàng đầu cản trở phát huy lợi thế chiến lược này, thậm chí còn gây ra nhiều hậu
quả lớn cho đất nước.
Song nguyên nhân cơ bản nhất hủy hoại lợi thế
nói trên và dẫn đến sự yếu kém mọi mặt của đất nước hôm nay là sau khi hoàn
thành sự nghiệp độc lập thống nhất đất nước, ĐCSVN với tính cách là lực lượng
lãnh đạo duy nhất, đã không đặt ra cho mình nhiệm vụ chiến lược hàng đầu là xây
dựng bằng được quyền làm chủ đất nước của nhân dân trong một thể chế chính trị
của nhà nước pháp quyền dân chủ, không giúp cho nhân dân tự trau dồi và trang bị cho
chính mình quyền năng thực thi quyền làm chủ đất nước của mình. Khỏi
phải bàn, cổ nhân đã nói: Dân là chủ nhân mạnh, thì sẽ “thuê” được sự lãnh đạo
mạnh của đảng và sự quản lý giỏi của nhà nước; và như thế đảng sẽ mạnh, nhà
cũng nước cũng sẽ mạnh, đất nước sẽ hùng mạnh. Cổ nhân cũng nói tiếp: để dân là
chủ không ra chủ, để tớ không ra công bộc của dân, thì đất nước lụn bại. Những
điều hiển nhiên này đâu có gì xa lạ?!
Song rõ ràng ĐCSVN kể từ 30-04-1975 cho đến
hôm nay vẫn không coi thực hiện nhiệm vụ này là tiền đề đầu tiên
mang tính quyết định tất cả và mãi mãi cho toàn bộ sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ tổ quốc của một nước Việt Nam độc lập thống nhất.
Không thể đổ lỗi cho nhân dân ta lạc hậu, cho hoàn
cảnh quốc tế khắc nghiệt… để thanh minh, để biện hộ…
Đúng ra phải nói: Chính vì xuất phát điểm của
nước ta lạc hậu, chính vì bối cảnh quốc tế rất khắc nghiệt, nên sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ tổ quốc kể từ khi giành được độc lập thống nhất nhất thiết
phải bắt đầu từ thực hiện bằng được nhiệm vụ chiến lược nêu trên. Bởi
vì chỉ một đất nước do nhân dân thực sự làm chủ như thế mới có thể sẽ có tất
cả, mới có thể thắng được tất cả mọi thách thức bất kể từ đâu tới. Lãnh đạo là
thực hiện sứ mệnh tạo ra cho dân và cho đất nước một sức sống như thế của quốc
gia, chứ không phải là ngồi lên dân.
Nhưng từ sau 30-04-1975 cho đến hôm nay ĐCSVN
đã và đang có sự lựa chọn khác – mặc dù đảng ghi trên lá cờ của mình: Tất cả vì
đất nước, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhìn lại, cũng phải nói: Gần 4 thập kỷ đã tiêu
phí, và nguồn lực mọi mặt có thể huy động được của đất nước, của truyền thống
kiên cường sáng tạo Việt Nam, của trí tuệ văn minh thế giới ngày nay, của bối
cảnh toàn cầu hóa… thực ra đã hoàn toàn cho phép ĐCSVN đủ sức hoàn
thành vẻ vang nhiệm vụ sống còn bậc nhất này, nếu đảng coi đấy là sự
lựa chọn của mình.
Nhưng, như đã nói, ĐCSVN đã không lựa chọn như
vậy, do đó đã dẫn đến thực trạng đất nước hôm nay. Chính đây là sự
thất hứa nghiêm trọng nhất đối với những gì đảng đã cam kết với dân tộc, với
đất nước.
Sự thất hứa nêu trên đồng thời cũng là thất
bại nghiêm trọng nhất của đảng trong toàn bộ lịch sử đấu tranh của mình kể từ
khi thành lập, là thắng lợi đáng khiếp sợ nhất của tha hóa trong đảng. Sự thất
hứa này còn là nhân tố hàng đầu đang hủy hoại phẩm chất và truyền thống cách
mạng của đảng. Sự tha hóa này tạo ra ngay trong đảng kẻ thù không đội trời
chung đang nhăm nhăm biến chất và tiêu hủy đảng.
Bốn là: Phải bắt đầu lại từ chữ tín
Trí tuệ của văn minh nhân loại và bối cảnh thế
giới toàn cầu hóa ngày nay trong thời đại tin học hoàn toàn cho phép sự khởi
nghiệp của các quốc gia đi sau như nước ta thành
công.
Bí quyết thành công của quốc gia khởi nghiệp
đã được trí tuệ của nhân loại đúc kết, đó là thực hiện nghiêm túc các tiêu chí: (a)quyền sở hữu tư nhân,
(b) quyền tự do cá nhân trong khuôn khổ một thể chế chính trị dân chủ, (c) trí
tuệ giữ vai trò ưu tiên để trở thành động lực của phát triển. Bí quyết
thành công của quốc gia khởi nghiệp còn nằm trong quá trình hoàn thiện và phát
triển không ngừng kinh
tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự…
… Trong thế giới hôm nay, những bí quyết này chẳng còn gì là bí mật, là hoang
tưởng, chẳng có gì phải mò mẫm, phải đoán già đoán non như thời đại Nguyễn
Trường Tộ, mà đang là hiện thực ngoạn mục của hàng chục nước đi sau ở
mọi châu lục. Cũng thực tiễn đáng học hỏi này của các nước đi sau đang
khẳng định một thực tế như một nguyên lý: Những bí quyết nêu trên
chỉ có thể vận dụng thành công trong một quốc gia lựa chọn con đường phát triển
hòa bình của cải cách thường xuyên và triệt để, bắt đầu từ giáo dục…
Nhưng ĐCSVN đã để mọi việc phải làm trễ mất gần 4
thập kỷ rồi, sự tha hóa đã chiếm được thế thượng phong trong đảng rồi, làm thế
nào bây giờ?
Trả lời: Vẫn còn
kịp, nếu ĐCSVN bắt đầu lại từ chữ tín.
Trên đời này không thiếu gì một con người thất
bại hay một quốc gia đổ vỡ đã lập lại cuộc đời hay khởi nghiệp lại bằng cách
bắt đầu từ chữ tín. Cũng không thiếu gì kinh nghiệm sống ở khắp thế gian này:
Giữ được chữ tín sẽ làm nên tất cả.
Còn quan trọng hơn thế, nhân dân ta đủ kinh
nghiệm xương máu đã trải qua, đủ hiểu biết những gì đang phải chịu đựng trong
chế độ chính trị hiện tại, đồng thời cũng đủ nghị lực, bản lĩnh và sự bao dung
để lựa chọn con đường cải cách hòa bình và hòa giải, không mong muốn gì hơn con
đường cải cách trong hòa bình, trong hòa giải.
Tối ưu nhất đối với đất nước trong tình hình
hiện nay chính là ĐCSVN – với tính cách là lực lượng chính trị mạnh áp đảo – tự
đứng lên cởi trói cho bản thân mình, và đồng thời vận động toàn dân khai phá
con đường cải cách này. Có đủ căn cứ để nói: Cho đến giờ phút này, nhân
dân vẫn sẽ hoan nghênh, vẫn sẽ chấp nhận sự lựa chọn này của đảng. Vâng, cho
đến giờ phút này. Bởi vì đấy là con đường ngăn chặn tái diễn thảm cảnh nồi da
xáo thịt, là con đường sống của cả đất nước, cả dân tộc.
Có thể dám chắc nhiều đảng viên chân chính có hiểu biết thấy rõ được thực trạng
của đảng và của đất nước, tán thành con đường cải cách. Nhiều người trong số họ
đã công khai có những ý kiến tâm huyết và trí tuệ về giải pháp, về cách tiếp
cận con đường cải cách.
Có thể khẳng định trong nhân dân và trong đảng
có đủ trí tuệ và năng lực cho một cuộc cải cách vĩ đại rất xứng đáng với tầm vóc của đất nước.
Chất xám của thế giới có thể huy động được cho sự nghiệp cải cách vĩ đại này không thiếu. Cả thế giới tiến bộ chắc
chắn hậu thuẫn nỗ lực này của đất nước ta.
Để có được con đường cải cách như thế, ĐCSVN hãy
bắt đầu từ thực hiện chữ tín với nhau trong đảng, và đồng thời thực hiện chữ
tín của đảng đối với dân.
Việc đảng thực hiện chữ tín của mình đối với dân
hãy bắt đầu từ việc đảng thực hiện nói thật, nói đi đôi với làm, từ việc đảng
để cho dân nói và chịu nghe dân nói, đồng thời thực hiện công khai minh bạch để
tất cả cùng nhau xác nhận chữ tín.
Bắt đầu các khâu chuẩn bị từ hôm nay, có còn
cách nào tốt hơn để xúc tiến đại hội XII không?
Nếu ĐCSVN không tìm cách bắt đầu lại từ chữ
tín, đại hội XII chắc chắn sẽ không thể đi quá được cái vạch đã định sẵn từ các
đại hội trước: Cuối cùng sẽ chỉ thực sự làm được mỗi một việc là quyết định ai
ở ai đi trong “ê-kíp” lái tầu mới mà thôi, còn con tầu đảng vẫn lao tiếp trên
con đường đang đi, với quy luật muôn đời là: đường nào đích nấy, nhân nào quả
ấy.
Nếu quyết không phản bội lại truyền thống cách
mạng của chính mình, không phản bội lại hy sinh của dân tộc, ĐCSVN hoàn toàn có
đủ điều kiện bắt đầu lại từ chữ tín./.
Hà Nội, ngày 12-02-2014
..........................................
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Trung, “Chữ tín”, bài
viết cho tạp chí Văn hóa Phật giáo – TPHCM, số mùa Thu năm 2012: nguyentrung-vt.blogspot.com –
nhãn AAA nhật ký.
[1] Trên
thực tế từ sau 30-04-1975 (trước đó không tính), thiết nghĩ nước ta cũng không
thoát khỏi hiện tượng phổ cập nhiều nơi trong lịch sử thế giới là “cách mạng
thường ăn thịt những đứa con của mình”.