Nhãn

29 tháng 10, 2013

831. Những đám đông tháng Mười

Mon, 10/28/2013 - 16:37 — canhco

Người ta có thể dễ dàng đồng ý nếu có sự tập trung từ trăm người trở lên thì nhóm người ấy đã trở thành đám đông. Đám đông nói lên nhiều điều mặc dù ở nhiều đám đông không ai nói gì cả, họ chỉ biểu cảm bằng sự tham dự của mình như một phiếu bầu, một thái độ.

Bắt đầu từ ngày 4 tháng Mười, khi tin đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lộ ra thì đám đông đã manh nha hình thành. Không báo đài hay loa phường nào thông báo nhưng đám đông chuyền tai nhau và sáng hôm sau đã có người xếp hàng trước nhà riêng của ông chờ đợi được đặt một bó hoa trước cổng. Đám đông ấy lớn dần lên và lúc ấy báo chí mới rục rịch đưa tin. Đám đông ngày càng căng ra khi sức chứa lề đường không còn đủ chỗ. Ngày kéo cờ rủ trước hội trường Ba Đình là lúc đám đông chuyển động. Theo sau những chuyển động ấy là các bài viết đẩy đám đông vào sâu hơn điều mà từng người trong họ nghĩ tới. Công lao, chiến thắng là hai cụm từ được lập đi lập lại hầu như bất tận.

Trước khi chấm dứt những đề nghị đặt tên đường, đưa tên ông vào sách giáo khoa thì một bài viết mới nhất của tờ Lao Động nhưng không có tên tác giả khép lại đám tang và đám đông. Tựa bài có tên: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiển thánh, như trước đây 44 năm Bác Hồ đã hiển thánh".

Hai chữ "hiển thánh" có lẽ được đám đông chấp nhận như một lời tung hô, nhưng tờ Lao Động thật ra đang kích động đám đông bằng chiêu trò mê tín dị đoan. Tờ báo đăng bài viết không hiểu được hai từ "hiển thánh" như thế nào nên cho rằng nhân vật nào có miếu thờ thì tự nhiên thành thánh. Báo đưa Bác Hồ ra làm thí dụ và cũng mang Bác Hồ ra làm nhân chứng cho sự hiển thánh của ông.

Đáng chú ý trong bài báo là câu: "Võ Điện Biên, người con trai của đại tướng, có bài đáp từ làm rung động lòng người: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho phép chúng tôi thực hiện di nguyện của Đại tướng được trở về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê hương".

Đến thánh mà cũng phải xin phép được chôn cất tại quê hương của mình thì Đảng và Nhà nước đã lên hàng Thượng đế.

Từ đám đông, tờ báo đã rất "linh động" hướng dẫn họ vào đền thờ của sự hiển thánh. Từ hiển thánh bài báo chứng minh với đám đông rằng không có điều gì lớn hay nhỏ mà không qua tay Đảng và nhà nước.

Đây là bài báo thành công nhất trong tang lễ đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tang lễ đáng lẽ hoàn hảo, chỉnh chu hơn nếu không có những bài viết như thế. Và cũng đáng tiếc, tang lễ sẽ làm người dân tập trung hơn nếu không có một đám đông khác, cũng tang chế, cũng mất mát đau thương nhưng của một tập thể chứ không phải một người: Vụ nổ nhà máy pháo hoa Z121 tại tỉnh Phú Thọ.

12 giờ trưa ngày 11 tháng Mười, khi cờ rủ được treo trên Quảng trường Ba Đình, nghi thức đầu tiên trong 2 ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 20 tiếng đồng hồ sau, 8 giờ sáng ngày 12 tháng Mười vụ nổ xảy ra, giết chết 24 người làm bị thương gần trăm người khác và đám đông hoảng loạn được báo chí loan tải cho thấy sự kinh hoàng của họ như trong chiến tranh.

Cảnh một đám tang nằm chơ vơ với một người duy nhất ngồi bên quan tài miêu tả sự sợ hãi đã lên đến cực điểm. Khói lửa mù mịt và tiếng than khóc bao phủ cả một vùng. Nhà máy xảy ra vụ nổ là một phân xưởng của Bộ Quốc phòng do đó Bộ này đã nhanh chóng đến tận gia đình nạn nhân an ủi và bồi thường cho họ. Tuy nhiên cho đến hôm nay không một lý do nào được đưa ra tại sao một nơi nguy hiểm như thế lại không có một biện pháp an toàn lao động nào cho công nhân làm việc.

Câu hỏi đặt ra: Quản lý chất nổ làm pháo đã không xong thì làm sao có thể quản lý một nhà máy hạt nhân có tầm nguy hiểm hơn một ngàn lần?

Từ câu hỏi này có thể dễ dàng suy ra một đám đông khác sẽ lớn hơn một ngàn lần tại Ninh Thuận nếu so với đám đông của Phú Thọ vừa qua.

Năm ngày sau khi vụ nổ tại Phú Thọ xảy ra, ngày 17 tháng Mười một đám đông nữa xuất hiện tại Thanh Hóa. Lần này chỉ hai mẹ con bị chết nhưng kéo theo đám đông hơn ngàn người. Họ là thân nhân, là láng giềng và sau đó thì người đi đường nhập cuộc.

Đám đông tự phát này đòi trả lại công lý cho hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân, trú tại làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa đến bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa để sinh nhưng bệnh viện đã bỏ mặc bà trong 20 tiếng đồng hồ không chăm sóc mặc dù bà có biểu hiện khó sinh và rất đau đớn. Cái chết của hai mẹ con bà đã gây sự giận dữ lẫn căm phẫn trong dân chúng vì họ đã nhìn thấy số phận của họ qua câu chuyện của hai mẹ con sản phụ.

Đám đông tuy giải tán sau đó ít lâu nhưng người tham dự biết rằng từ nay ít ra bệnh viện Thiệu Hóa cũng tự biết ra ai là chủ nhân thật sự của bệnh viện này.

Hai ngày sau một vụ án chấn động khác xảy ra tại Hà Nội cũng liên quan đến y đức nhưng lần này thêm yếu tố cố sát, một cử động sau cùng nhấn chìm luôn chút lương tâm còn sót lại của những người mang áo choàng trắng bất lương.

Đám đông không nổi giận, không căm phẫn, không có một phản ứng nào. Họ đến hai bờ Sông Hồng chờ xem xác chết của nạn nhân. Họ xem trò múa may của các nhà ngoại cảm. Xúc động không còn chỉ còn sự hiếu kỳ bởi quá nhiều việc thất đức đã giết mất sự nóng giận của người dân. Không lẽ xã hội chỉ biết lo cho miếng ăn của mình mà quên đi một góc khác có tên là lương tri?

Lương tri và miếng ăn thách thức người dân Hà Nội với hai vụ tiếp liền sau đó. Vụ thứ nhất là việc đàn áp, đánh đập và bắt giữ hơn một trăm bà con H'Mông từ 4 tỉnh phía Bắc kéo về vườn Hoa Mai Xuân Thưởng đòi được quyền thực hành niềm tin tôn giáo của họ.

Hơn một trăm con người ấy là đám đông thầm lặng. Tiếng Kinh không đủ để diễn tả nỗi bất bình lẫn oan ức của họ khi địa phương trói buộc họ vào những quy định khó hiểu bởi nỗi ám ảnh ly khai.

Việt Nam đang theo đuổi việc đàn áp sắc tộc và tôn giáo với chiêu bài ly khai như Trung Quốc đối phó với người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Hệ lụy này đang công khai diễn ra tại Hà Nội vào tối 23 tháng Mười. Đám đông bị ép hết lên xe chở về lại nơi họ xuất phát. Chính quyền không hiểu rằng không có chuyến xe nào chở nổi sự oan khiên khi lòng những con người tội nghiệp ấy chỉ vang lên một từ than van kêu cứu duy nhất "Chúa ơi".

Lương tri nếu đã không còn thì chính là lúc những góc khuất tối tăm nhất của con người xuất hiện. Góc khuất mà người Việt không ai không tự dặn lòng: "miếng ăn là miếng tồi tàn".

Ngày 24 tháng Mười tại phố Đoàn Trần Nghiệp, hàng ngàn thanh niên nam nữ chen lấn, dẫm đạp lên nhau để được ăn một bữa shusi miễn phí. Bức tranh "hoành tráng" này không biết có làm cho người Hà Nội thấy xấu hổ không hay lại tránh đi không nhận rằng một số lớn thanh niên hôm nay đang định hướng mình vào miếng ăn thay vì vào việc xây dựng Xã hội chủ nghĩa như nhà nước vẫn hàng ngày kêu gào.

Miếng ăn trở thành chân lý và không còn tồi tàn như người Việt tâm niệm. Sự lật đổ này của đám đông thanh niên nam nữ Hà Nội trong ngày 24 tháng Mười có phải là tiếng kèn cầu hồn cho truyền thống áo mũ cân đai?

Chưa hết, một đám đông khác xảy ra ba ngày sau đó, ngày 27 tháng Mười. Lần này tại xứ Quảng, và huyện Tư Nghĩa của Quảng Ngãi đã lên tiếng mạnh mẽ cho sự lấp liếm của chính quyền sở tại qua một đám đông đủ sức lật đổ một chính quyền cấp xã.

Báo chí đăng đầy đủ hình ảnh của hàng ngàn người dân tập trung chống đối làm lưu thông trên quốc lộ 1 ách tắc nguyên ngày. Họ đòi hỏi phải giải quyết việc chính quyền cho phép tàu ngoại quốc vào hút cát làm cho môi trường nguy hại, tác động trực tiếp đến kinh tế và sức khỏe của người dân mà không ai giải quyết.

Đám đông này gây chú ý cho nhà nước nhất vì nguyện vọng và sự giận dữ của họ không thể lái theo hướng nào khác. Khi đám đông thật sự nổi giận thì bất cứ nhà nước nào cũng phải e dè, kể cả nhà nước cộng sản.

Còn một đám đông khác quan trọng hơn đang tụ tập nhưng không mấy ai quan tâm. Đám đông này khác với các đám đông tự phát, nó có ngày giờ diễn ra và mục tiêu cũng rất rõ ràng. Đám đông ấy được lãnh lương và được luôn cái tiếng là đại biểu. Người dân gọi nôm na là có tiếng lẫn có miếng.

Đám đông đặc biệt này là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Họ là đám đông chứ không có cách gọi nào khác rõ nghĩa hơn. Gần 500 con người tụ tập nhau lại nhưng không làm được một việc gì gọi là đại diện cho dân. Bởi họ không phải là dân vì 92,6% những người trong đám đông ấy là đảng viên và vì vậy việc làm của họ chỉ cho đảng và vì đảng mà thôi.

Đám đông ấy theo sau ông Tổng bí thư và tuân theo bất cứ việc gì mà ông ta đưa ra. Đám đông có nét đặc thù là cùng gật đầu một lúc và cùng đưa tay giống nhau khi đảng ra lệnh.


Đám đông ấy cũng tụ tập vào tháng Mười và điều này khiến bản hợp xướng Đám đông tháng Mười càng thêm hùng tráng.

23 tháng 10, 2013

830. Minh Diện: Danh gia hay tổ quỷ



2 người tên Dũng

Một người hàng xóm chỉ ngôi nhà bốn tầng trên đường Nguyên Hồng, nói với tôi:

- Nhà Dương Chí Dũng đấy. Trước ngày nào cũng tấp nập khách khứa ra vào, toàn xe hơi bóng lọng. Đêm nào đèn cũng sáng rực cả bốn tầng. Bây giờ suốt ngày cửa đóng im ỉm, ban đêm chỉ le lói  ánh đèn vàng và thấp thoáng một bóng người như bóng ma!

Cái bóng thấp thoáng như bóng ma ấy chính là cùa Phạm Thị Mai Phương, vợ Dương Chí Dũng.

Những người hàng xóm kể: Vào buổi sáng ngày Dương Chí Dũng bỏ trốn, vẫn thấy bà này sánh vai đi bách bộ, trên môi nở nụ cười tươi. Và 10 giờ đêm ấy, ngôi nhà vẫn sáng đèn, vẫn thấy hai người đi ra đi vào.

Trả lời phóng viên báo Vietnamnet, bà Phạm Thị Mai Phương bảo: “Tôi cảm thấy choáng váng như bị sét đánh khi biết chồng mình phạm tội. Nhất là khi biết chồng mình làm liều vi phạm pháp luật để có tiền chiều bồ!”.

Nếu vậy thì quả thật Dương Chí Dũng không hổ danh là thành viên trong một gia đình từ bố đẻ đến các con đều là công an, giấu giểm giỏi hơn méo giấu cứt! Tham những như thế, ăn chơi sa đọa như vậy, mà người vợ đầu ấp má kề mấy chục năm không biết!

Bí mật của Dương Chí Dũng còn ở chỗ y leo rất nhanh lên các nấc thang quyền lực, bằng trình độ kiến thức chắp vá, không muốn nói là học giả bằng mua.

Cũng như Nông Quốc Tuấn con trai Nông Đức Mạnh, Dương Chí Dũng đi hợp tác lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức. Ngày ấy phải đút tiền hoặc con ông, cháu cha mới được đi hợp tác lao động ở cái nước giàu nhất phe xã hội chủ nghĩa ấy. Dương Chí Dũng thuộc dạng thứ hai, vì bố là Dương Khắc Thụ giám đốc công an Hải Phòng. 

Sau mấy năm lao động ở Đức, Dương Chí Dũng về nước, được bố trí ngay vào văn phòng công đoàn cảng Hải Phòng. Từ cái văn phòng này, Dũng nhảy lên ghế phó giám đốc, rồi giám đốc công ty nạo vét sông. Bấy giờ Dương Chí Dũng mới bắt đầu học đại học, bởi theo quy định cán bộ cỡ đó trở lên phải có bằng cấp! 

Người ta mài đũng quần trên ghế giảng đường 5 năm liên tục, thi cử trầy da tróc vẩy mới được nhận cái bằng cử nhân. Dương Chí Dũng thuộc bậc “thiên tài”, vừa làm giám đốc, vừa học bổ túc ngắn hạn, mà có hẳn một cái bằng tiến sỹ đỏ chót.

Dù bằng cấp như vậy, nhưng xuất thân trong gia đình có quyền lực và sẵn tiền, Dương Chí Dũng nhảy phắt lên chiếc ghế Tổng giám đốc Vinaline (8-2005) rồi Chủ tịch hội đồng quản trị, Ủy viên thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinaline (7-2011) Cục trưởng hàng hài Việt Nam (2-2012).

Vừa nhảy lên cái ghế Tổng giám đốc Vinaline, Dương Chí Dũng đã vén “tay đốt nhà táng”, mua hàng chục con tàu viễn dương già cỗi về mông má lại, hoạt động ì ạch, bỏ không, bị bắt giữ hoặc neo đậu ở nước ngoài dẫn đến thua lỗ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng Dương Chí Dũng chỉ bị rờ tới khi cái gọi là “Dự án ụ tàu 83M” hiện nguyên hình là một đống sắt vụn.

Dự án ấy lúc đầu dự toán 14,136 triệu đô la, Dương Chí Dũng đã nâng lên 19,5 triệu đô la, sau đó lại bồi tiếp lên tới 525 tỷ đồng, tương đương 26 triệu đô la. Số tiền khổng lồ đó được chia cho các hạng mục như mua ụ, sửa chữa, vận chuyển, neo đậu... Theo kết quả giám định đã gây  thiệt hại của nhà nước 370 tỷ đồng bằng 70,4% tổng đầu tư dự án.

Có lẽ chưa có ai vừa liều lĩnh, vừa trắng trợn, vừa ngu dốt như Dương Chí Dũng trong trường hợp này.

Cái ụ nổi 83M sản xuất tại Nhật năm 1965. Hơn bốn mươi năm sử dụng nó đã quá già nua, nên cơ quan Đăng kiểm Nga đã dừng phân cấp, nghĩa là không cho phép hoạt động nữa. Năm 2006, Nakhoda, chủ nhân của ụ nổi 83M, chào bán với giá 5 triệu đô la, nhưng không ai mua. Ấy thế mà ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Dương Chí Dũng đã móc nối với Goh Hoon Seow, giám đốc công ty môi giới AP, Singgapor làm trung gian, mua đống sắt vụn đó qua công ty Global Success của Nga tại Hồng Kông, với cái giá 9 triệu đô la.

Nhiều ý kiến phản biện chất lượng và giá cả, nhưng Dương Chí Dũng bỏ ngoài tai. Dũng chỉ đạo bọn Trần Văn Chiều, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang làm mọi cách hợp thức hóa các thủ tục, mua bằng được ụ nổi đó. Cùng một lúc Dương Chí Dũng đóng ba vai chính: Chủ chi tiền, chủ mua tàu, và người môi giới. Một kẻ lộng hành như thế, phản biện chỉ là nước đổ đầu vịt! Hơn nữa, đâu chỉ mình Dương Chí Dũng, chung quanh y, những kẻ phàm ăn như cá tra nhâu nhâu lợi dụng đục nước béo cò.  

Trong bản thỏa thuận ăn chia số tiền 9 triệu đô la, ký tại Hồng Kông, ngày 7-7-2007, có 1,66 triệu đô la dành cho Dương Chí Dũng và đồng bọn.

Với trình độ chuyên nghiệp của giới Mafia quốc tế, ngay sau khi nhận được 9 triệu đô la của Vinaline, giám đốc công ty Global đã ra lệnh cho Goh chuyển ngược 1,66 triệu đô la cho công ty Phú Hải, Hải Phòng qua ngân hàng UOB, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.  Phú Hải là công ty sửa chữa tàu biển của Vinaline, do Trần Hải Sơn, một đàn em tin cậy của Dương Chí Dũng làm giám đốc. Trần Hải Sơn đã biến 1,66 triệu đô la thành những xấp tiền 500 ngàn mới rượi chở đến tận nhà cho Dũng.

Đằng sau mỗi tham quan đều thấp thoáng hình bóng đàn bà!

Trong giới quan chúc tham những Trung Quốc như vậy. Ở ta cũng thế. Những vụ án tham nhũng và Scandal vừa qua, các bậc mày râu đều bị hệ lụy bởi “đám chân dài”. Bùi Tiến Dũng PMU 18 tặng xe sang, Lê Ân tặng giường ngoại, Huỳnh Phi Dũng trao cả cơ nghiệp cho đứa con một tuổi của người đẹp, và Dương Chí Dũng dùng tiền ăn cắp của nhân dân mua cho bồ nhí một lúc hai căn hộ cao cấp bậc nhất Hà Nội. Đồng tiền bất chính chui tọt vào cái túi càn khôn!

Ông Đinh La Thăng ,Ủy viên trung ương đảng, Bộ trưởng bộ giao thông nhận xét về Dương Chí Dũng: “Trong ngành tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét là rất tốt. Và thực tế cho đến khi có kết luận của Thanh tra chính phủ, chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông tin gì từ thanh tra, công an hay đơn tố cáo ông Dũng!”.

Thế mới biết việc quản lý cán bộ đảng viên lỏng lẻo. Và hình như càng lên cao lại càng lỏng lẻo. Những cơ quan nội chính, kiểm tra,  thanh tra và những đợt kiểm tra, thanh tra phải chăng chỉ là hình thức? Giá như việc quản lý cán bộ đảng viên chặt chẽ, riết róng như công an theo dõi dân, quản lý dân ở từng địa bàn, thì có lẽ không sảy ra những bất cập như vậy.

Đã không phát hiện được Dương Chí Dũng phạm tội sớm, lại để y  trốn ra tận nước ngoài. Mỉa mai thay, những kẻ tổ chức cho tên tội phạm nguy hiểm này chạy trốn lại chính là những sỹ quan công an sừng sỏ như Vũ Tiến Sơn, Hoàng Trọng Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Dương Tự Trọng... từng thề bồi gãy lưỡi tuyệt đối trung thành với đảng, thượng tôn pháp luật.

Trong những ngày qua, có tờ báo lề phài ca ngợi gia đình ông Dương Khắc Thụ. Nào là “Danh gia vọng tộc”, nào là “Một bức tượng đài”, nào là “Niềm tự hào của đất cảng”. Có bài báo đề cao phẩm chất và tài năng của Dương Tự Trọng, nào là “Hắc tinh của bọn tội phạm”, nào là “Một người có tâm thức, từng  thuyết phục nhiều bậc cha mẹ đưa con phạm tội đầu thú”.

Ô hay, thật hay đùa nhỉ? Một đại tá công an từng uốn ba tấc lưỡi thuyết phục ngưới ta đưa con em ra đầu thú, lại cầm đầu tổ chức đưa anh trai mình trốn ra nước ngoài, khi biết anh mình đứng đầu một vụ án đặc biệt nghiêm trọng là thế nào? Tâm thức hay tâm đểu? Phải chăng Dương Tự Trọng chỉ là kẻ lừa dối người khác để  lập công?

Để tổ chức cho anh ruột trốn ra nước ngoài, Dương Tự Trọng đã xử dụng Trần Văn Dũng, biệt danh “Dũng Bắc Kạn”, một cộm cán giang hồ đất cảng. Phải chăng với cương vị phó giám đốc công an Hải Phòng, Dương Tự Trọng đã bị khuất phục, hoặc cố tình dung túng cho bọn tội phạm, như một hình thức bảo kê và làm phương tiện đánh án lập công?

Một câu hỏi nữa cần đặt ra là, trong khi Dương Chí Dũng lẩn trốn ở Campuchia, Dương Tự Trọng hai lần bơm cho anh 24.000 đô la thông qua Đồng Xuân Phong, tiền đó từ đâu ra?

“Danh gia vọng tộc”, “bức tượng đài”, “niềm tự hào của đất cảng”... tất cả đã bị sụp đổ, đúng hơn, là danh hão, là cái mặt nạ tự rơi xuống cho thiên hạ nhìn vào một tổ quỷ! Âu cũng là nhân quả.

Trong quyết định truy nã quốc tế Dương Chí Dũng cùa Cơ quan cảnh sát điều tra đã nói rõ: “Đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt Nam!”.

Ấy thế mà bà Phạm Thị Mai Phương lại  nói với báo chí rằng chồng mình chỉ làm liều để chiều bồ! Và bà Băng Tâm, em gái Dương Chí Dũng, một sỹ quan công an Hải Phòng lại làm những câu thơ mùi mẫn như sau:

Em đang cho anh vào tim
Sưởi cho tâm hồn dịu lại
Rũ tung những gì tê tái
Em khấn Phật rất lâu rồi!

Giá như bài thơ ấy dành cho Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình và những dân oan thì có lẽ hợp tình hợp cảnh hơn. Một kẻ tham nhũng và làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhân dân, một kẻ dùng hàng triệu đô la nuôi bồ nhí, một kẻ dối đảng và lừa cả vợ con mình thì Thần Phật nào chứng mà khấn với cầu?


Hãy nhìn tận mặt đặt đúng tên bọn tội phạm: Tổ quỷ.